Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi: Nhiều điểm mới về bảo hiểm tự nguyện
Xử lý đối với doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội Người mắc ung thư được lĩnh bảo hiểm xã hội một lần ngay sau khi nghỉ việc |
Bổ sung chế độ thai sản với BHXH tự nguyện
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH đã đặt mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHX thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững”...
Người dân làm thủ tục hành chính tại BHXH Hà Nội. (Ảnh: BHXH Hà Nội) |
Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Dự thảo Luật BHXH đã đề xuất nhiều chính sách cần sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội, quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia BHXH.
Dự thảo Luật đưa ra 5 nhóm chính sách cần sửa đổi, gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trong đó, đáng quan tâm là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Đồng thời, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ như cán bộ, công chức); bổ sung quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua thực hiện các hiệp định về BHXH được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nước, đồng thời phù hợp với quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu.
So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật BHXH đã bổ sung thêm 2 chế độ khi người dân tham gia BHXH tự nguyện là chế độ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (Luật BHXH hiện hành quy định người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất). Cụ thể, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Chị Lê Thị Hương, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã có hơn 10 năm tham gia BHXH bắt buộc khi làm tại một doanh nghiệp may mặc. Sau đó, do điều kiện gia đình, chị nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ và chốt sổ BHXH. “Tôi dự định sẽ tham gia BHXH tự nguyện, đóng tiếp vào thời gian đã tham gia trước đây để sau này có lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Việc Luật BHXH giảm thời gian đóng để được hưởng chế độ hưu trí, mở rộng quyền lợi như trợ cấp thai sản, tai nạn lao động với người tham gia là rất thiết thực, nhưng tôi mong BHXH tự nguyện sẽ có cả chế độ ốm đau nữa”, chị Hương chia sẻ.
Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH
Đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu cũng là chính sách đang thu hút nhiều người lao động quan tâm. Theo Dự thảo Luật, số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Về hưởng BHXH một lần, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Ngoài việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Dự thảo Luật cũng đưa ra các đề xuất như: Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; được ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp...
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Phương án 1 là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2 là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Phương Thảo