Đề xuất xây dựng luật về lương tối thiểu vùng
Bàn giải pháp để đưa lương tối thiểu tiếp cận mức sống tối thiểu Mong mỏi “lương tăng, giá đừng tăng” |
Lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh từ ngày 1.7.2022. Ảnh: Hải Nguyễn |
Ai được điều chỉnh lương tối thiểu?
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Theo đó, tiền lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố.
Như vậy, từ ngày 1.7, khi lương tối thiểu vùng tăng, các doanh nghiệp (DN) sẽ phải điều chỉnh tiền lương cho phù hợp để trả cho NLĐ. DN chỉ buộc phải tăng lương cho những NLĐ đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Với những trường hợp đã được trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới, DN không có trách nhiệm phải tăng lương.
Ngoài mức lương tối thiểu vùng theo tháng, lần đầu tiên Việt Nam có mức lương tối thiểu được ấn định theo giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Trao đổi về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) - cho biết: “Công ty đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ 1.1.2022. Lương tối thiểu hiện hành đang áp dụng cao hơn nhiều so với quy định. Cụ thể, chúng tôi tăng lương 3% so với năm 2021 và 6% so với năm 2020. Vì vậy, công ty sẽ không thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1.7 bởi đang áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn quy định sắp có hiệu lực tới đây”.
Đánh giá tác động của lương tối thiểu
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho biết, Việt Nam là một trong những nước thực hiện theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO về lương tối thiểu. Khi đó, xây dựng lương tối thiểu dựa trên nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của NLĐ và gia đình họ; chỉ số giá sinh hoạt; khả năng chi trả của DN; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến NLĐ...
Lương tối thiểu vùng là mức trả thấp nhất cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.
Về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6% so với hiện hành, áp dụng từ 1.7 tới đây, bà Hương đồng tình với quyết định này. Song, chuyên gia nhấn mạnh khâu tổ chức, giám sát thực thi lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp cần coi trọng. Bên cạnh đó, cần phải có đánh giá tác động của việc điều chỉnh lương đối với NLĐ và DN. Đây là mức trần thấp nhất bảo vệ người lao động, chuyên gia này khuyến khích DN và NLĐ có mức lương thương lượng cao hơn.
“Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên, mỗi năm cần đợi Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp và đề xuất mức và thời điểm điều chỉnh. Những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào mức điều chỉnh theo chỉ số CPI, tăng trưởng kinh tế… Vì vậy phải thúc đẩy việc xây dựng luật về lương tối thiểu. Sau đó, cứ theo quy định để áp dụng thực hiện” - bà Hương nhấn mạnh.
Lý giải về đề xuất này, bà Hương cho rằng, khi còn là thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mỗi khi hội đồng “rục rịch” họp bàn về lương tối thiểu là giá cả lại tăng theo. “Khi nghe tác động lương tối thiểu, thường giá cả sẽ tăng lên. Vì vậy, chúng ta cần thúc đẩy việc xây dựng luật lương tối thiểu” - bà Hương nói.
Từ 1.7, mức lương tối thiểu theo giờ của NLĐ được tính thế nào? Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ còn có cách tính lương cho người lao động có hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán. Các mức lương này sẽ được quy đổi theo tháng hoặc theo giờ và mức lương của các hình thức này không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc giờ. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Khi tính trong thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn thì mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ được tính như sau: Mức lương quy đổi theo giờ = Lương theo tuần, ngày: Số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán: Số giờ làm việc trong giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán. Mức lương quy đổi theo tháng = Mức lương theo tuần x 52 tuần: 12 tháng hoặc mức lương theo ngày x số ngày làm việc bình thường/tháng hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong giờ làm việc bình thường của tháng. Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. |
Theo Anh Thư/laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-xay-dung-luat-ve-luong-toi-thieu-vung-1057265.ldo