Lao động nữ đề cao sức khỏe tinh thần
Kết quả khảo sát này vừa được ManpowerGroup (Tập đoàn tuyển dụng và dịch vụ nhân sự đa quốc gia hàng đầu thế giới) công bố trong báo cáo Lao động nữ mong muốn gì - What Women Want @ Work nhân dịp Quốc tế phụ nữ (8/3). Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát ý kiến từ 4.000 lao động nữ đến từ 7 quốc gia Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bắc Âu.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, những lao động nữ tham gia khảo sát mong muốn công việc trong tương lai của họ sẽ cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống; được linh hoạt thời gian bắt đầu và kết thúc công việc mỗi ngày (điều này còn quan trọng hơn cả chế độ làm việc từ xa); công việc ổn định - không phải lo lắng về nguy cơ mất việc.
Họ cũng mong muốn sự bình đẳng tại nơi làm việc bất kể độ tuổi, chủng tộc, giới tính...; thêm cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng. Đồng thời, mong muốn giảm bớt số ngày cần có mặt tại văn phòng, 35% lao động nữ sẵn sàng giảm 5% mức lương của mình để đổi lấy 4 ngày làm việc/tuần hoặc giảm 16% lương nếu được làm việc từ xa.
Khoảng 20% lao động nữ cho biết đại dịch khiến họ mong đợi nhiều sự đảm bảo hơn trong tương lai, điều này còn quan trọng hơn cả một vị trí việc làm phù hợp với lĩnh vực hay giá trị mà họ theo đuổi. 25% người lao động nữ lo ngại về chuyện thay đổi công việc trong bối cảnh bất ổn kinh tế hiện nay. 1 trên 3 phụ nữ tin rằng bất ổn kinh tế đe dọa công việc của họ. 15% người lao động (cả nam và nữ) đều mong đợi được tăng lương tương ứng với mức lạm phát.
Ảnh minh họa |
Báo cáo cũng cho thấy, năng suất lao động không chỉ liên quan đến công nghệ, cách thức hay địa điểm làm việc, mà với phụ nữ điều đó còn bắt đầu bằng sự đối xử công bằng về tiền lương.
Các yếu tố khiến lao động nữ làm việc năng suất như: Hưởng lương bình đẳng cho cùng một công việc (được 46% lao động nữ và 40% lao động nam bình chọn); cân bằng hơn giữa công việc – cuộc sống; được linh hoạt thời gian bắt đầu và kết thúc công việc trong ngày; thêm cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng; được linh hoạt lựa chọn cách thức hoàn thành công việc và ổn định hơn – không còn lo lắng nguy cơ mất việc.
Cũng theo nghiên cứu này, thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và tỷ lệ thôi việc của lao động nữ. Khoảng 50% lao động nữ cho biết họ sẵn sàng thôi việc tại công ty hiện tại để nhận được mức thu nhập và phúc lợi tốt hơn; 30% lao động nữ sẽ thôi việc để đổi lấy sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống.
Điều này cũng thể hiện ở yếu tố những trách nhiệm trong chăm sóc con cái thực tế vẫn là một rào cản trong công việc đối với lao động nữ, khi có 8% lao động nữ không thể quay trở lại làm việc do những thách thức trong việc chăm sóc con cái; 7% lao động nữ không thể quay lại làm việc do phải gánh vác các công việc gia đình (cả hai tỷ lệ đều gấp đôi so với lao động nam).
Ngoài ra, nhiều lao động nữ không thấy họ được đánh giá cao. Chưa đến 1⁄2 lao động nữ tin rằng, công ty hiện tại khuyến khích họ tham gia đào tạo hoặc nâng cao kỹ năng. Hơn 40% lao động nữ không tin rằng người quản lý nhận ra những kỹ năng và tiềm năng của họ.
Báo cáo này cũng ghi nhận, đối với lao động nữ, sức khỏe tinh thần càng được đề cao sau đại dịch. Theo đó, cứ 3 lao động nữ thì lại có 1 người mong muốn người quản lý thấu hiểu hơn về sự ảnh hưởng của khối lượng công việc đến sức khỏe tinh thần của họ. 14% lao động nữ sẵn sàng giảm 5% mức lương để có được thêm thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần (tương tự như ở nam giới)
14% lao động nữ (nam 10%) cho rằng những phúc lợi về tinh thần- bao gồm gặp gỡ chuyên viên tư vấn, ngày nghỉ dưỡng sức hay trợ cấp sức khỏe thuộc top 3 phúc lợi cần thiết nhất. Điều này được đánh giá là còn quan trọng hơn cả địa điểm làm việc linh hoạt hay tiền thưởng.
Lao động nữ cho rằng mức thu nhập tăng lên sẽ có tác động tích cực nhất đến sức khỏe tinh thần của họ, tiếp đến mới là các yếu tố phúc lợi và khối lượng công việc. 19% lao động nữ mong muốn người lãnh đạo thấu hiểu những thách thức mà họ phải đối mặt khi vừa đi làm, vừa làm mẹ.