"Chợ công nhân" và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh
Nhiều chi phí đè nặng, công nhân phải đi vay tiền Khảo sát: Nhiều công nhân phải đi vay để trang trải cuộc sống |
Đi chợ với công nhân
Khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 18/6, cánh cửa của Khu Chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh mở toang, hàng ngàn công nhân bắt đầu tan ca để trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả.
Sắm vai công nhân đi theo chị Đặng Thị Lan vừa tan ca đi đến chợ tự phát để mua thực phẩm. Vừa đi chị vừa lẩm bẩm nên mua gì để chuẩn bị bữa cơm tối cho cả nhà?. Tuy nhiên, gần nửa tiếng đồng hồ rảo quanh chợ, chị nhiều lần lắc đầu rồi rời đi vì lý do thực phẩm không được như ý mà giá lại cao. Ghé qua một chỗ bán cá, chị Lan có ý định mua một ít nhưng khi cầm lên thì thấy cá dính ngay phải tay vì đã quá ươn.
“Sao cá dạo này ươn mà giá cao dữ vậy cô?”, chị Lan thắc mắc thì được cô bán hàng đáp trả: “Giá cả giờ đắt lắm em, hàng này chị lấy của các tiểu thương loại ra tại chợ đầu mối Bình Điền về bán mới được như vậy đấy”.
Sau một hồi do dự, chị Lan tính dời đi mấy lần nhưng cuối cùng vẫn quyết định mua nửa ki-lô-gam cá nục với giá 20.000 đồng. “Muộn rồi nên mua đại thôi, ổng và mấy đứa nhỏ (ý nói chồng và các con) đang chờ ở nhà”, chị Lan cau mày nói với phóng viên.
Một số mặt hàng như cá, mực bán tại chợ tự phát cho công nhân đã bị ươn, đổi màu |
Chia tay chị Lan, chúng tôi rảo một vòng quanh chợ và nhận thấy hầu hết cá, mực, thậm chí thịt heo, gà đều hàng đông lạnh. Trong số đó, không ít thực phẩm đã chuyển màu, thậm chí bốc mùi hôi, chỉ cần lấy ngón tay nhấn nhẹ là thân cá sẽ bị lõm xuống.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa phối hợp với Phòng Y tế Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn. Kết quả ban đầu xác định có 5/90 cơ sở còn tồn tại nhiều mặt không đảm bảo ATTP như hết hạn Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sức khỏe nhân viên chưa được khám định kỳ, sổ kiểm thực 3 bước chưa thực hiện đúng quy định, nền một số khu vực xuống cấp, bong tróc, bám bẩn, ứ động nước và rác thải, sử dụng nước giếng (chưa xuất trình kiểm nghiệm) trong chế biến thực phẩm. Kho bảo quản thực phẩm, tủ động chưa có chế độ vệ sinh định kỳ, trang thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại chưa hiệu quả, chưa trang bị phương tiện rửa, khử trùng tay, thiếu trang bị bảo hộ lao động… |
Một tiểu thương ở chợ gần Khu Chế xuất Linh Trung cho biết, hầu hết thực phẩm tươi sống ở đây lấy từ chợ đầu mối lúc sáng sớm sau đó về ướp đá đến chiều thì đem ra bán nên không còn tươi ngon. "Hàng chủ yếu bán cho công nhân nên giá phải mềm chứ bán đắt hơn thì họ không mua. Mà anh biết đấy, giá mềm thì lấy đâu ra hàng ngon" - tiểu thương này phân bua.
Đừng để thực phẩm quá date... bầy bán!
Sau nhiều ngày khảo sát tại một số khu chợ cóc, chợ tạm nằm gần KCN Bình Đường, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tiểu thương bày bán các loại cá, mực... đã chuyển qua màu tím nhạt. Riêng gà làm sẵn nguyên con và được đông đá bán chỉ với 50.000 đồng/con. Thịt heo có giá 100.000 đồng/kg.
Đặc biệt, nội tạng động vật đã qua chế biến được bán với giá vài chục ngàn/kg. Dọc Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM), nhất là đoạn trước Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, các tiểu thương tại đây bày bán các loại cá, mực không còn tươi, thậm chí đã có mùi. Đây là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp với lượng công nhân rất lớn nên vào tầm tan ca, công nhân thường ghé để mua thực phẩm nên các chợ tự phát mọc lên rất nhiều.
Hầu hết thực phẩm bán tại chợ tự phát giành cho công nhân đều là hàng được các tiểu thương mua tại các chợ đầu mối loại ra nên giá khá rẻ |
Nói với phóng viên, một công nhân cho hay, biết là hàng dạt, kém chất lượng nhưng tụi em phải chấp nhận thôi vì đồng lương không cho phép. Tiểu thương ở đây biết tâm lý công nhân hám rẻ nên lâu lâu cũng khuyến mãi thêm vài món nên cũng vui...
Cuộc sống của đại bộ phận công nhân nhập cư, đặc biệt là công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, còn nhiều khó khăn lại phải san sẻ tài chính với người thân ở quê nên họ phải tính toán rất chi li các khoản chi tiêu. "Tổng thu nhập hằng tháng chưa được 10 triệu đồng trong khi phải trả tiền thuê nhà, điện, nước, tiền sữa cho con... nên vợ chồng em phải hết sức tiết kiệm. Vậy mà có tháng phải vay mượn bạn bè để trang trải. Bữa cơm hằng ngày hôm nào có thịt, có cá là phấn khởi lắm", một công nhân bộc bạch.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho hay, mỗi bữa ăn cho gia đình có 3 người chỉ gói ghém từ 30.000 đến 50.000 đồng, hiếm lắm mới lên đến 100.000 đồng. Hy vọng sắp tới khi lương tối thiểu được tăng lên, cuộc sống vì thế cũng đỡ vất vả hơn, công nhân mới có đủ sức khỏe, yên tâm để làm việc, sản xuất và tái tạo sức lao động.
"Vẫn biết tiền nào của ý, với công nhân chúng em thu nhập không cao thì làm sao có thể vào siêu thị mua thực phẩm. Sau tan ca chỉ loanh quanh mấy chợ dân sinh, chợ tạm gần nhà máy mà nhiều chị em gọi là "chợ công nhân" để mua đồ. Dẫu giá có rẻ, song không mong gì hơn các cấp chính quyền nên quan tâm hơn nữa đến khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để gia đình chúng em có những bữa ăn an toàn, ngon miệng", một công nhân nữ chia sẻ.
Triển khai công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung cầu hàng hóa để bình ổn thị trường, Sở Công Thương TP.HCM vừa đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện, hệ thống phân phối hiện đại, các đơn vị quản lý chợ đầu mối cùng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tăng cường các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa để bình ổn thị trường. Giải pháp tập trung là theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn, báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biển trên địa bàn. Kiểm tra, theo dõi, thực hiện công tác quản lý chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, dự trữ, cam kết thu mua - cung ứng, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý... |
Theo Thành Đồng - Minh Tuấn/laodongthudo.vn