Nhiều chi phí đè nặng, công nhân phải đi vay tiền
Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền online |
Chị Tấm đã từng nhiều lần vay tiền hàng xóm, đồng nghiệp để trang trải cuộc sống. Ảnh: P.V |
Vòng quay “vay - trả”
Đã 8 năm gia đình chị Nông Thị Tấm (SN 1993, ở Yên Bái) xuống Hà Nội làm công nhân. Khi bắt đầu sinh con thứ hai, chị phải thuê thêm một phòng trọ nữa để có chỗ ở rộng rãi hơn. Có thêm con, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng trên đôi vai của vợ chồng chị Tấm.
Con lớn 8 tuổi đã gửi về quê cho ông bà chăm sóc. Con thứ 2 còn non nớt, vợ chồng chị Tấm “quay cuồng” chưa biết tính toán ai trông con. Không còn cách nào khác, buộc chị phải nghỉ việc để chăm sóc cho con. Vì vậy, chi tiêu trong gia đình đều dựa vào đồng lương 8-9 triệu đồng/tháng của chồng chị.
Chị Tấm nhẩm tính, tiền thuê 2 phòng trọ mỗi tháng hết 1 triệu đồng, tiền điện, tiền nước, khoản gửi về quê cho ông bà căm con… cũng “ngốn” hết tháng lương của chồng. “Những ngày hè nắng nóng, hai mẹ con ở nhà cũng không dám bật điều hòa. Chỉ khi nào anh đi làm về tôi mới bật cho bớt nóng. Bật nhiều lấy đâu ra tiền trả tiền điện” - chị Tấm ngậm ngùi.
Nếu có phát sinh như con ốm, có người mời đám cưới… buộc chị Tấm phải đi vay tiền của hàng xóm, đồng nghiệp. “Nhớ lần đó chưa đến cuối tháng thì trong nhà đã hết tiền. Con ốm đau, sốt cao… Buộc tôi phải vay tiền hàng xóm để cho cháu đi khám, mua thuốc. Sau đó, đến ngày có lương mình lại trả cho họ. Vòng luẩn quẩn này tôi đã phải trải qua nhiều rồi” - chị Tấm chia sẻ.
Khi nào cháu thứ hai có thể đi lớp, chị Tấm sẽ tìm công việc khác đỡ gò bó, không phải làm ca kíp như công nhân để có thời gian nhiều hơn chăm sóc gia đình.
Bữa cơm chỉ vẻn vẹn có vài ba con cá mương, ít rau cải luộc, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1992, quê Nghệ An) - công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) ăn cho qua bữa. Chị Thúy vừa nghỉ việc ở công ty cũ, chuyển sang làm công ty mới được chưa đầy 2 tuần.
Vì là công nhân mới nên mức lương cơ bản của chị Thúy chỉ khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, thấp hơn lương công nhân đã có thâm niên làm việc. Chồng chị là lao động tự do, hai vợ chồng chị phải chật vật trong thời kỳ giá cả tăng chóng mặt.
“Cầm đồng lương chưa “nóng” tay thì đã hết vì đủ khoản phải chi tiêu. Nhiều khi không muốn hỏi chồng về tiền bạc, sợ làm gánh nặng nên chỉ còn cách đi vay”- nữ công nhân ngậm ngùi.
Chị Tấm, chị Thuý là hai trong vô số công nhân phải đi vay tiền mới đủ chi tiêu cho cuộc sống. Theo khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và chi tiêu, đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống. Cụ thể là 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần.
Tiết kiệm tối đa
Tại tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều” ngày 16.6, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy - cho biết, mức thu nhập tối thiểu của công nhân tại công ty là 5,32 triệu đồng/tháng. Mức bình quân chung theo khảo sát của công đoàn cơ sở 6 tháng đầu năm 2022 là 5,68 triệu đồng/tháng. So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước, Chủ tịch công đoàn cơ sở này khẳng định người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu và có thể dự phòng. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.
Bà Phương Anh cho hay: “Với sự leo thang của giá cả thị trường, người lao động phải thực sự tiết kiệm tối đa chi phí để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi dám chắc 50% người lao động cuối tháng của công ty phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống”.
Vị này nói thêm, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca đến 18 - 19 giờ tối. Vì vậy họ bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục, cho nên chi phí cũng sẽ tăng. Tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng - tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, theo điều tra, 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ; cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền. Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ bảo hiểm xã hội, chứng minh thư nhân dân để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp xác định, càng khó khăn thì càng phải tăng lương cho người lao động. Và từ việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng năng suất, hiệu quả lao động, dẫn đến doanh thu tăng cao cho doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, đây là mối quan hệ rất hài hoà.
Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ngày 12.6, chị Trần Thị Toan (sinh năm 1987, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam) cho biết, chị là cán bộ công đoàn đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen. Theo chị Toan, thực tế rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố. |
Theo Anh Thư-Lương Hạnh/laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-chi-phi-de-nang-cong-nhan-phai-di-vay-tien-1057747.ldo