Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Hà Nội: Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động
30 Công đoàn cơ sở ký mới Thỏa ước lao động tập thể Có bắt buộc lấy ý kiến trước khi ký thoả ước lao động tập thể? Các doanh nghiệp có bắt buộc phải ký kết Thỏa ước lao động tập thể? |
Ông Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, cho biết, quá trình thương lượng, đối thoại và xây dựng TƯLĐTT ngành lần 2 được thực hiện theo các bước: Thành lập Ban soạn thảo; 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương.
Các nội dung trong TƯLĐTT thể ngành được các bên thương lượng đánh giá là phù hợp thực tế chung trong toàn ngành và đơn vị cơ sở. Kết thúc quá trình thương lượng, đối thoại, bản Thỏa ước đã được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Hội Dệt May Thành phố, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội ký kết.
"TƯLĐTT ngành Dệt May Hà Nội lần thứ 2 là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động", ông Hoàng Thanh Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, đây cũng là cơ sở tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động.
Hội Dệt May thành phố Hà Nội và Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội ký kết Thoả ước lao động tập thể cấp ngành lần thứ 2. |
TƯLĐTT ngành Dệt May Hà Nội có nhiều điều, khoản có lợi hơn cho người lao động. Chẳng hạn, Thỏa ước quy định, về thu nhập tối thiểu, đối với người lao động là công nhân đã qua đào tạo và làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, đảm bảo đủ thời gian làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động, chất lượng sản phẩm hoặc công việc đã thỏa thuận thì người sử dụng lao động đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng nhân hệ số 1.15.
Về tiền thưởng, hàng năm căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh người sử dụng lao động có trách nhiệm thưởng cho người lao động theo các hình thức như: Tháng lương thứ 13; thưởng vào dịp lễ, tết; thưởng cho người lao động có nhiều thành tích đóng góp cho doanh nghiệp ...
Về mức ăn ca, các doanh nghiệp, tùy theo điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức giá sinh hoạt tại địa bàn hoạt động, áp dụng chế độ ăn giữa ca (kể cả ca làm thêm) với mức thấp nhất là:15.000 đồng/người/ca (chỉ tính định lượng lương thực, thực phẩm; Không tính chi phí chất đốt, phục vụ).
Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, Thỏa ước quy định, trong mỗi ca sản xuất (đối với người lao động làm việc theo ca) hoặc trong ngày làm việc (đối với người lao động làm việc theo giờ hành chính); ngoài thời gian nghỉ giữa giờ, doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngắn tập trung từ 5-10 phút để người lao động giải lao tại chỗ….
Ngoài ra, Thỏa ước khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng một số chế độ cao hơn so với quy định của pháp luật hoặc pháp luật chưa quy định cho người lao động như: Mua bảo hiểm thân thể 24h/24h; giảm giờ làm thêm; trợ cấp thai sản cho lao động nữ sinh con phù hợp với chính sách dân số quốc gia; lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc phục vụ nhu cầu vắt trữ sữa của lao động nữ đang nuôi con nhỏ; quy định thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời gian làm việc; hàng năm doanh nghiệp dành ít nhất 08 giờ để người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc cấp trên tổ chức...
Ông Hoàng Thanh Sơn cho biết, sau khi ký kết, hiện Công đoàn ngành và Hội Dệt May thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai bản Thỏa ước đến các đơn vị trực thuộc; phấn đấu tiếp tục nâng cao số lượng đơn vị tham gia Thoả ước lao động tập thể ngành trong thời gian tới đồng thời hướng dẫn đơn vị căn cứ Thỏa ước ngành để xây dựng Thỏa ước doanh nghiệp; kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo sự đồng thuận, mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.