Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Nghịch lý đào tạo lao động có tay nghề Infographic: 8 tháng đầu năm, Hà Nội đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động |
Theo đó, người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được doanh nghiệp cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng, thì được hỗ trợ chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận.
Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, và có trong danh mục ngành nghề được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Đối với các ngành, nghề chưa có trong danh mục được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, doanh nghiệp đề xuất Sở LĐTBXH để tổng hợp, xem xét trình UBND cấp tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
Một lớp đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa. |
Doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo quy định trong danh mục ngành nghề được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Về quy trình, hình thức tổ chức đào tạo, doanh nghiệp sẽ cử một người lao động hoặc nhiều người lao động của doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nghề bằng văn bản.
Trong đó ghi rõ các thông tin bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian làm việc tại doanh nghiệp, số sổ bảo hiểm xã hội, ngành, nghề cần đào tạo, hình thức đào tạo, dự kiến thời gian tham gia khóa đào tạo đối với từng người lao động, gửi cơ sở đào tạo nghề nghiệp và Sở LĐTBXH nơi doanh nghiệp hoạt động.
Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp, thực hiện công tác tuyển sinh, nhập học đối với lao động của doanh nghiệp như đối với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp vào học trình độ sơ cấp.
Người lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được tổ chức học theo lớp riêng, hoặc học cùng với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp, do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh nghiệp, người học trước khi khai giảng khóa học ít nhất 5 ngày làm việc.
Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức đào tạo cho lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của Bộ LĐTBXH theo đúng ngành nghề, nội dung đào tạo do doanh nghiệp lựa chọn.
Trường hợp người lao động của doanh nghiệp được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31 của Bộ LĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học, hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định tại Thông tư 33 về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tổ chức đào tạo cho người lao động, thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và phải báo cáo, được sự đồng ý của Sở LĐTBXH nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Theo dự thảo, việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.