An cư - Giấc mơ xa vời của người lao động
Biết tự đánh giá rủi ro là kỹ năng “sống còn” của người lao động Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người lao động |
Canh cánh nỗi lo ở trọ
Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Hiện có khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn cho đời sống công nhân lao động.
Vì tiết kiệm chi phí, đa phần công nhân lao động thuê trọ những căn phòng cấp bốn, thiếu thốn các điều kiện đảm bảo an toàn. (Ảnh: P.Ngân) |
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, như: Giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước; vận động chủ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp; các cấp Công đoàn Thành phố tăng cường các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất. Tuy nhiên, do mức thu nhập của công nhân lao động còn chưa đáp ứng được các khoản chi tiêu trong cuộc sống, nên phần lớn đời sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ghé thăm một vài xóm trọ công nhân xung quanh khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), tình trạng công nhân lao động ở trong những phòng trọ “xập xệ”, không phải là hiếm, với thu nhập hạn hẹp, nên đó là sự lựa chọn tối ưu với công nhân nhiều năm qua.
Để tiết kiệm tiền, đa phần công nhân lao động chỉ thuê những căn phòng rộng hơn 10m2 (Ảnh: P.Ngân). |
10 năm làm việc ở Thủ đô, gắn bó với công xưởng, cũng là 10 năm chị Nguyễn Thị Nga đi về trong những xóm trọ công nhân. Căn phòng hiện tại chị đang ở là một phòng cấp 4, mái lợp fibro xi măng, may mắn là có vệ sinh riêng trong phòng. Vợ chồng chị khéo léo sắp xếp khu nấu ăn, một chiếc giường, tủ quần áo, chừa lại một lối đi và để xe. “Có những hôm trời nóng không ngủ được, hoặc mùi đồ ăn ám quanh phòng vì diện tích nhỏ, nhưng để tiết kiệm chi phí thì chúng tôi chấp nhận vậy”, chị Nga nói.
Nhìn không gian xung quanh phòng chị Nga, dãy trọ có chừng 8 phòng với thiết kế giống nhau, phục vụ nhu cầu ở cho khoảng 20 người, cả người lớn lẫn trẻ em. Hai dãy phòng đối diện nhau qua khoảng sân chung nhỏ, với những sào quần áo phơi ngay trên hành lang. Chập choạng tối, ánh đèn trong những căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông bắt đầu bật lên, xen lẫn ánh lửa bập bùng của bữa cơm chiều.
Theo lời kể của chị Nga, giống như bao cặp vợ chồng công nhân khác, thu nhập của hai vợ chồng chị trung bình khoảng 15 triệu/tháng. Để có nhiều tiền gửi về nuôi con ở quê, vợ chồng chị chi tiêu rất tằn tiện, tuy nhiên, co kéo mãi, cũng chỉ để ra được chừng 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu
Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất thì còn khó khăn hơn.
Điểm chung các khu nhà trọ ở khu công nghiệp là hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí hằng ngày, không có các thiết chế văn hoá, trường học cho trẻ em (Ảnh: P.Ngân). |
Do đó, việc thiếu chỗ ở tốt với công nhân dần trở thành chuyện “thường tình” ở các khu công nghiệp. Ở xóm trọ công nhân, những hoàn cảnh giống vợ chồng chị Nga nhiều vô kể. Đó cũng là tình trạng chung của phần đông công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Đi kèm với sự chật chội ở các khu nhà trọ, đó là những thiết chế văn hóa dường như đã trở thành xa xỉ. Công nhân lao động đều mong muốn sau những giờ làm việc được quay trở về những căn phòng trọ mà ở đó có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Đặc thù của công nhân lao động là thường xuyên phải làm việc theo ca, kíp, việc đi lại của công nhân diễn ra cả ngày lẫn đêm, số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định lâu dài, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự trong các thôn, nơi có công nhân thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Anh Văn Đình Vinh (công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết, rời quê xuống Hà Nội hơn chục năm, nhưng với đồng lương công nhân, vợ chồng anh vẫn chưa đủ khả năng mua căn nhà gần nơi làm việc. Dẫu biết nơi anh đang thuê trọ không thực sự đảm bảo an toàn, nhưng vì số tiền thuê phù hợp với mức thu nhập mà gia đình có, nên anh vẫn gắn bó với khu trọ.
Từ những câu chuyện thực tế trên có thể thấy, thiếu nhà ở trong các khu công nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân khiến công nhân tìm thuê và mua những căn hộ thiếu an toàn, không bảo đảm điều kiện sống. Nếu không có giải pháp khắc phục, thì đời sống công nhân vẫn sẽ “tạm bợ”, như chính chốn đi về của họ sau mỗi giờ làm.
N.Hoa