Biết tự đánh giá rủi ro là kỹ năng “sống còn” của người lao động
Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động ngành Xây dựng Đồng hành, chăm lo cho đoàn viên, người lao động |
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết.
Chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Cùng với đó tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động cũng có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.
Báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. |
Đáng chú ý, ngay trong tháng 4/2024 đã liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên cả nước. Vào ngày 3/4/2024, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương.
Tiếp đó là vụ tai nạn lao động, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Và gần đây nhất đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết và nhiều người bị thương.
Nơi đâu cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động cũng rất đa dạng, từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của người sử dụng lao động đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn.
Mỗi vụ tai nạn là một bi kịch, là nỗi đau tột cùng cho những người lao động và gia đình họ. Trên thực tế, vấn đề an toàn lao động đã được quan tâm và nhắc nhở nhiều lần, từ các văn bản pháp luật, các hội nghị, hội thảo đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra như một lời cảnh tỉnh cho thấy công tác an toàn lao động vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Trước những vụ tai nạn lao động thương tâm liên tiếp xảy ra, tại buổi đối thoại giao lưu trực tuyến chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động” do báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tổ chức, nhiều đoàn viên, công nhân lao động đã bày tỏ những lo ngại những nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Ảnh minh họa. |
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp - Trường Đại học Công đoàn TS Đỗ Thị Lan Chi cho biết, trước những sự cố rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người như thời gian qua, câu hỏi đặt ra là tại sao lại nhiều vụ tai nạn như vậy. TS Đỗ Thị Lan Chi nhấn mạnh, trách nhiệm của người sử dụng lao động đã rõ rồi, nhưng phải đặt ngược lại người lao động hiện nay đang làm việc bất chấp, chỉ cần có tiền lương.
“Luật quy định, người sử dụng lao động phải tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động, nhưng khi tổ chức thì người lao động lại không đi, cho thấy ý thức của người lao động chưa cao. Khi gặp vấn đề xảy ra thì lại tốn tiền đi bác sĩ”, TS Đỗ Thị Lan Chi nêu thực trạng.
TS Đỗ Thị Lan Chi phân tích, trước khi trông chờ vào người sử dụng lao động, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình, người lao động phải tôn trọng thực hiện nội quy an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, người lao động phải biết tự rèn luyện kỹ năng đánh giá rủi ro về an toàn vệ sinh lao động. Bởi đây chính là yếu tố “sống còn” để người lao động có sức khỏe, còn tính mạng để tiếp tục làm việc.
“Trong các tình huống cụ thể, người lao động phải đặt ra câu hỏi phải thoát nạn như thế nào, đảm bảo an toàn tính mạng ra sao. Ví dụ như việc đầu tiên đến nơi làm việc là phải quan sát nơi thoát hiểm, điều kiện làm việc có đảm bảo hay không. Nếu người lao động thấy công việc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng thì có thể tự rời bỏ nơi làm việc mà không sai luật. Người lao động hãy nhớ rằng, chỉ cần một rủi ro xảy đến, tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người lao động mà còn đến gia đình và xã hội”, TS Đỗ Thị Lan Chi chia sẻ.
Bên cạnh đó, để quản lý an toàn lao động, Lan Chi cũng cho rằng tại mỗi doanh nghiệp, đơn vị nên có đội ngũ an toàn vệ sinh viên. Đây là đội ngũ hết sức quan trọng và cũng là điểm đặc biệt của Việt Nam bởi trên thế giới không có đội ngũ này. Đội ngũ an toàn vệ sinh viên có nhiệm vụ làm câu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn trong quá trình sản xuất. Tai nạn lao động giảm hay tăng trong quá trình sản xuất đều có “dấu ấn” của đội ngũ an toàn vệ sinh viên này.
Ngân Phương