TRỰC TUYẾN: Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động
Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và an toàn vệ sinh lao động, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Tây Hồ tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”.
Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, về phía thành phố Hà Nội có các đại biểu: Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Về phía quận Tây Hồ có các đại biểu: Bà Trần Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy; bà Phùng Mỹ Ngà - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận; ông Trần Gia Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Dân vận quận; ông Nguyễn Dương - Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ quận, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận; bà Bùi Thị Ngọc Thuý - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận; ông Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận; bà Trần Thị Hương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận.
Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Đỗ Thị Hồng Lê - Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ.
Đặc biệt có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động quận Tây Hồ.
14h15: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động, bất cứ người lao động nào cũng quan tâm đến các quyền lợi dành cho mình, nhất là về lương, thưởng, BHXH… Cùng với đó, môi trường làm việc đảm bảo an toàn cũng là điều mà người lao động đều mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc tại buổi Đối thoại. |
Tuy nhiên, do các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động thường xuyên được Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; trong khi đó không ít người sử dụng lao động, người lao động bận rộn vì công việc hoặc vì những lý do khách quan khác mà chưa có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt được những điểm mới của chế độ, chính sách, trong đó có những chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… Điều này đã khiến việc thực thi chính sách pháp luật có nơi, có lúc chưa được hiệu quả và không ít người lao động bị thiệt thòi quyền lợi.
“Nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, đặc biệt về những chế độ chính sách mới được điều chỉnh liên quan đến tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tới người sử dụng lao động và người lao động, góp phần để chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động, đẩy lùi tai nạn lao động, trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề là “Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Người lao động tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, để buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất, Ban tổ chức đã mời tới đây các vị chuyên gia đến từ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; LĐLĐ thành phố Hà Nội; BHXH thành phố Hà Nội - những người tham gia hoạch định, triển khai thực hiện chính sách pháp luật, vừa am hiểu sâu sắc các kiến thức pháp luật vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai chính sách, sẵn sàng trả lời, giải đáp những vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội được nâng cao kiến thức pháp luật, mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp, nếu ở xa có thể gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích, từ đó có thêm kiến thức bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết.
14h20: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Tây Hồ nói riêng, các Công đoàn cấp trên cơ sở nói chung trong việc tích cực phối hợp tổ chức các buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin nhanh, chính xác, hữu ích để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại. |
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh: Chủ đề “Chính sách về tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động”, rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên Công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức liên quan đến chính sách về tiền lương, chế độ BHXH và các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động để từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại như thế này.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động.
14h30: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động
|
Chị Bùi Diệu Linh - Công đoàn Trường Mầm non Tây Hồ hỏi:
Tôi đang quan tâm đến vấn đề tiền lương, xin hỏi chuyên gia, những nhóm đối tượng nào được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023? Mức tăng cụ thể như thế nào? Lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Từ 1/7 tới mức lương cơ sở sẽ có sự điều chỉnh, nếu có tính tỷ lệ thì mức lương cơ sở sẽ tăng 20%. Tất cả đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh trên cơ sở mức lương cơ sở nhân với hệ số theo chức danh hưởng lương từ Nhà nước. Mức lương cơ sở không áp dụng với đối tượng ngoài Nhà nước. Như vậy, tùy theo hệ số cao thì mức lương sẽ cao.
Liên quan đến hợp đồng thử việc như bạn hỏi, về nguyên tắc, người lao động sẽ được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, hợp đồng lao động với hợp đồng thử việc khác nhau ở chỗ hợp đồng lao động được người sử dụng lao động và người lao động xác lập với nhau trên cơ sở có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Riêng hợp đồng thử việc thì với chức danh quản lý kinh doanh thì mức hợp đồng thử việc là 6 tháng, với các đối tượng khác là 22 tháng.
Về câu hỏi, lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không, riêng tháng lương thứ 13 về bản chất là tiền thưởng chứ không phải là lương. Việc xác định tiền thưởng tháng 13 với người thử việc, trên khía cạnh pháp luật là không bắt buộc, tuy nhiên sẽ căn cứ vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một điểm nữa, lương tháng 13 không phải đóng BHXH.
Chị Trần Thu Hương, Công đoàn Trường THCS Tứ Liên hỏi:
Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng 1 nhưng vì không có bằng Thạc sĩ nên bị xếp sang hạng 2. Theo quy định mới thì giáo viên Trung học cơ sở không cần có bằng Thạc sĩ, vậy chúng tôi có được hưởng tiền lương của giáo viên hạng 1 nữa không?
|
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trước đây tiền lương của cán bộ, viên chức ngành giáo dục theo từng bậc, nếu ở mức 1 hoặc mức 2 đều có những tiêu chí nhất định. Khi giao thời giữa các văn bản khác nhau thì mức lương sẽ nhận khác nhau. Thông tư 03 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn hoá chức danh về giáo dục, cụ thể bậc trung học cơ sở giáo viên hưởng ở mức 1 phải có bằng Thạc sĩ, hiện nay tiêu chuẩn mới nâng từ bằng Cử nhân lên Thạc sĩ nếu chưa đáp ứng được điều kiện đó thì phải quay lại mức 2. Trong trường hợp này mặc dù trước đây bạn đang hưởng mức 1 nhưng Thông tư 03 quy định rất rõ thì phải chấp hành theo quy định, nếu bạn không bổ sung được bằng Thạc sĩ thì phải hưởng theo mức hạng 2.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội hỏi:
Xin chuyên gia giải đáp giúp, lao động ký hợp đồng thời vụ có phải đóng BHXH không? Ở trường tôi, có cán bộ là lao động nam, anh đóng BHXH nhưng vợ anh không đóng thì khi vợ anh sinh con thì đối với lao động nam có được hưởng chế độ gì không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp cán bộ là lao động nam, anh đóng BHXH nhưng vợ anh không đóng thì khi vợ anh sinh con thì đối với lao động nam có được hưởng chế độ. Tuy nhiên phải đi kèm với điều kiện là lao động nam phải đóng đủ bảo hiểm 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh. Anh sẽ được hưởng 2 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, anh sẽ được nghỉ theo chế độ. Với ý bạn hỏi, lao động ký hợp đồng thời vụ có phải đóng BHXH không, theo quy định, hiện không có hợp đồng thời vụ.
Anh Đỗ Hùng Minh - Công ty TNHH Moto N.A Việt Nam hỏi:
Bố tôi đang hưởng lương hưu và sắp tới có nhận thêm công việc bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Vậy, bố tôi có bắt buộc phải tham gia BHXH không?
Anh Đỗ Hùng Minh, Công đoàn Công ty TNHH Motor Honda Việt Nam |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp đang hưởng lương hưu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Trường hợp này khi ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, có thể hoàn toàn thoả thuận ghi hết các quyền lợi, được hưởng bao nhiêu tiền ghi hết trong hợp đồng lao động và cuối tháng nhận đủ số tiền đó.
Anh Đỗ Văn Khôi - Bệnh viện Medlatec Tây Hồ hỏi:
1, Tôi có người bạn, trước khi vào làm việc công ty có trao đổi là sau 2 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng lao động, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, bạn tôi đã làm việc được 5 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng. Bạn tôi làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Theo Bộ luật Lao động, khi kết thúc hợp đồng thử việc, doanh nghiệp phải tuân thủ nếu người lao động đáp ứng yêu cầu thì phải ký hợp đồng lao động chính thức, không đạt yêu cầu thì các bên phải chấm dứt quan hệ lao động.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà trả lời câu hỏi của người lao động. |
Trong trường hợp của bạn, sau khi kết thúc thời gian thử việc mà doanh nghiệp không có văn bản, không có phản hồi kết quả nhưng vẫn giao việc cho người lao động thì vẫn được xác định là xác lập quan hệ lao động. Sau 36 tháng các bên vẫn triển khai quan hệ lao động như vậy mà không có hợp đồng nào khác thì sau này sẽ chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
2, Hợp đồng lao động chưa hết thời hạn nhưng người sử dụng lao động và người lao động muốn bổ sung thêm một số nội dung thì có bắt buộc phải ký kết hợp đồng mới hay không? Trong trường hợp này 2 bên muốn thay đổi thời hạn hợp đồng thì làm như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Theo Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp hợp đồng lao động chưa hết thời hạn nhưng người sử dụng lao động và người lao động muốn bổ sung thêm một số nội dung thì có thể thương lượng, ký phụ lục mà không cần ký lại hợp đồng.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Đối với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể sửa, bổ sung nội dung thông qua phụ lục nhưng không được thay đổi thời hạn hợp đồng. Trong trường hợp muốn thay đổi thời hạn hợp đồng thì phải ký lại hợp đồng mới.
Chị Trần Thị Quỳnh Loan - Công đoàn Trường Tiểu học Nhật Tân hỏi:
1, Người lao động có được phép xin nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian khoảng 20 ngày hay không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Bộ luật Lao động người lao động có thể được được nghỉ không hưởng lương dài ngày nhưng phải có sự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, được chủ sử dụng lao động đồng ý, nếu chủ sử dụng lao động không đồng ý thì người lao động không được nghỉ không hưởng lương. Thời gian người lao động nghỉ việc không hưởng lương sẽ không được đóng BHXH.
2, Chế độ nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quy định cụ thể như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau của người lao động được quy định như sau: Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
- Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Chị Trần Thu Phương - Công đoàn Trường Mầm non Xuân La hỏi:
Xin chuyên gia cho tôi hỏi, đoàn viên đi làm liên tục được 15 năm nhưng vừa qua đoàn viên có kiểm tra trên VssID thì thấy có vài tháng không được đóng BHXH. Với trường hợp này đoàn viên cần phải làm gì?
Chị Trần Thu Phương - Công đoàn Trường Mầm non Xuân La. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu trường hợp người lao động vài tháng không đi làm thì bạn không nên quá lo lắng bởi quá trình BHXH là quá trình liên tục, nên bạn không cần làm gì nếu ngắt quãng một vài tháng. Đối với trường hợp anh chị đã và đang tham gia BHXH nhưng không hiển thị thì cần phải báo lại với cơ quan BHXH. Họ sẽ rà soát và có hướng dẫn cụ thể đến bạn.
Chị Nguyễn Kim Hạnh - Công ty cổ phần phát triển TN hỏi:
Trong quá trình làm việc, tôi thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, vậy tôi có thể từ chối làm việc được không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động thì người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động với điều kiện là người lao động phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
Người lao động chỉ tiếp tục quay lại làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Nếu các nguy cơ chưa được khắc phục thì người lao động có quyền không quay trở lại làm việc mà không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.
Anh Vũ Tiến - Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam hỏi:
Trường hợp người lao động có 2 sổ BHXH thì chúng tôi phải giải quyết như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này đơn vị nhận lại phối hợp với cơ quan BHXH quận, huyện nơi mình đang đóng để gộp sổ.
Chị Bùi Thu Nguyện (Mầm non Phú Thượng) hỏi:
Tôi công tác trong trường mầm non năm 2000, ký Hợp đồng lao động và được hưởng lương từ ngân sách; năm 2003 mới được đóng BHXH. Tôi xin hỏi có chế độ cho đội ngũ nhân viên mua lại thời gian đóng BHXH không?
Chị Bùi Thu Nguyện, Trường Mầm non Phú Thượng. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay, không có chế độ truy thu BHXH cho nhân viên chỉ có cho giáo viên. Do vậy, cách tốt nhất là nếu chị đã đóng bảo hiểm 20 năm thì đến khi về hưu chị tiến hành đóng 1 lần cho những năm còn thiếu để hưởng các chế độ của BHXH.
Chị Loan - Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội hỏi:
Trường tôi có tiếp nhận người lao động vào làm việc vị trí quản lý, nhưng người lao động này có vướng mắc về sổ BHXH ở cơ quan cũ, cụ thể là cơ quan cũ của người lao động đã nợ BHXH 2 năm rồi và không chốt sổ BHXH cho người lao động. Xin hỏi người lao động này có thể chốt được sổ lao BHXH không và thủ tục như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu cơ quan cũ không thanh toán hết nợ BHXH bao gồm tiền đóng BHXH và tiền lãi trong thời gian nợ BHXH thì người lao động không có cách nào có thể chốt sổ BHXH được cả. Người lao động chỉ có thể được chốt sổ BHXH khi đã trả hết nợ cho cơ quan BHXH.
Chị Trần Thị Nga - Công ty cổ phần khách sạn Thắng Lợi hỏi:
Theo Luật Lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, tuy nhiên, người lao động có nguyện vọng khám sức khỏe ở 1 cơ sở bên ngoài. Người lao động có thể tự khám sức khỏe bên ngoài và nộp giấy tờ cho công ty để công ty chi trả không?
Chị Trần Thị Nga - Công ty cổ phần khách sạn Thắng Lợi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Câu hỏi này cũng là băn khoăn của nhiều người lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Luật là không. Vì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Sau khi khám cho người lao động, đơn vị khám bệnh phải tổ chức tổng hợp kết quả và báo cáo lên. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể kết hợp khám cho người lao động ở nhiều cơ sở.
Chị Đỗ Thùy Liên - Công đoàn Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đất Việt 68 hỏi:
1, Bạn tôi bị tai nạn lao động nhưng không biết các thủ tục để làm chế độ tai nạn lao động, cán bộ nhân sự của công ty vô tình đã làm hồ sơ thành chế độ ốm đau, giờ bạn tôi muốn làm lại hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động thì có được không?
Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội trao quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi của Ban Tổ chức. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Tôi không rõ doanh nghiệp mà bạn hỏi vô tình hay cố ý, nhưng việc người bị tai nạn lao động lại làm nhầm sang hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau như vậy là vi phạm luật BHXH. Vì chế độ bồi thường tai nạn lao động là doanh nghiệp trả chứ không phải BHXH trả.
Bạn của bạn có thể làm lại hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động nhưng phải trong thời hạn quy định, nếu tai nạn lao động xảy ra từ năm ngoái rồi thì hiện nay đã hết thời hạn quy định. Nếu thời hạn quy định vẫn còn thì Công ty bạn phải thu hồi lại chế độ ốm đau trả BHXH và làm lại hồ sơ tai nạn lao động theo các trình tự mà pháp luật quy định.
Chị Nguyễn Thị Minh Huệ - Công đoàn Trường An Dương hỏi:
1, Bạn tôi là công nhân ở khu công nghiệp, tại thời điểm cách nơi làm việc 2km thì bị tai nạn. Vậy trường hợp này có được tính là tai nạn lao động không? Thủ tục, hồ sơ để được hưởng chế độ tai nạn lao động như thế nào?
2, Chúng tôi làm trong ngành giáo dục, thời gian tiếp xúc phấn bảng nhiều, thường xuyên bị viêm phế quản, bệnh này có được tính BHXH không?
Chị Nguyễn Thị Minh Huệ - Công đoàn Trường An Dương. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định rõ, phải có quãng đường hợp lý và thời gian hợp lý và có xác nhận của cơ quan công an. Nếu tai nạn lao động thì doanh nghiệp phải chịu chi phí điều trị, tiền lương và hỗ trợ thương tật. Với trường hợp bạn hỏi, sau khi người lao động điều trị ổn định thì doanh nghiệp cần làm công văn, doanh nghiệp làm theo mẫu sau đó gửi lên nơi giám định y khoa để xác nhận.
Liên quan đến câu hỏi về bệnh viêm phế quản của bạn, tôi xin trả lời, hiện bệnh nghề nghiệp chỉ công nhận được 35 bệnh. Bạn có thể tham khảo thêm qua Thông tư số 15 để tìm hiểu về danh mục bệnh nghề nghiệp, từ đó có đề xuất phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội hỏi:
Nhân viên thư viện có được hưởng phụ cấp độc hại hay không? Trường tôi có một chủ doanh nghiệp có tham gia vào công tác giảng dạy, người này đã đóng BHXH tại doanh nghiệp thì trường có phải đóng BHXH cho người đó hay không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Với công việc chị nói thì chưa rõ ràng để xác định có được hưởng phụ cấp độc hại hay không. Tuy nhiên, tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin có nói những người thực hiện các công việc: Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ thì sẽ là ngành nghề độc hại và được hưởng phụ cấp độc hại 0,2. Bạn có thể xem lại thông tư để xem trường hợp của mình có thuộc đối tượng được hưởng không.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô trao quà cho người lao động. |
Chuyên gia Dương Minh Châu: Đối với người lao động có nhiều hợp đồng thì đóng BHXH theo Hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo Hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất. Đặc biệt, phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nếu người lao động ký kết nhiều hợp đồng lao động và tất cả đều thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc thì đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo cho các hợp đồng đó theo quy định nêu trên. Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Một bạn đọc hỏi:
Công ty tôi năm 2019 có đóng BHXH ở bên quận Cầu Giấy, nay chuyển sang quận Tây Hồ. Tuy nhiên, khi chốt sổ BHXH cho người lao động thì giai đoạn ở quận Cầu Giấy không thể hiện trên sổ. Bây giờ chúng tôi cần làm gì để thể hiện những năm còn thiếu, chưa thể hiện trên sổ?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với vấn đề của bạn, bạn có thể liên hệ với đơn vị chuyên quản và báo với họ trước đây ở quận Cầu Giấy chưa thể hiện trên sổ BHXH, họ sẽ giải quyết cho bạn.
Một bạn đọc hỏi:
Em tôi là giáo viên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp gió viên mầm non hạng III, hưởng lương bậc 3, hệ số 2.41 từ ngày 1/4/2021 nhưng tới nay trên hệ thống VssID BHXH vẫn đang đóng ở mức lương của hạng IV là hệ số 2.26, như vậy quyền lợi của giáo viên có bị ảnh hưởng gì không?
Bà Đỗ Thị Hồng Lê, Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ trao quà cho đoàn viên tham gia giao lưu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp hệ thống VssID vẫn thể hiện mức đóng BHXH cũ là có 2 lý do, có thể là hệ thống chưa đồng bộ hoặc do đơn vị bạn chưa báo tăng mức đóng. Bạn có thể trao đổi lại với kế toán đơn vị bạn xem đã báo mức tăng đóng chưa nếu chưa báo thì cần báo mức tăng đóng cho cơ quan BHXH để cập nhật, nếu báo rồi mà hệ thống vẫn thể hiện số liệu cũ thì cũng cần liên hệ với cơ quan BHXH để kiểm tra, xử lý.
Đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Làng hoa Thuỵ Khuê hỏi:
Trước đây, hàng năm công ty cấp bảo hộ lao động cho người lao động nhưng hiện nay 2 năm rồi chưa cấp bảo hộ lao động, chúng tôi có nên kiến nghị không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Thông tư 04 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn số lượng cấp bảo hộ lao động do doanh nghiệp và Công đoàn thỏa thuận thống nhất. Theo quy định chủng loại do nhà nước quy định nhưng thời hạn cấp do doanh nghiệp quy định nhưng với nguyên tắc người lao động làm việc phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Trường hợp này bạn tìm các văn bản công ty ký với người lao động hoặc Thỏa ước lao động xem quy định cấp bảo hộ lao động như thế nào. Nếu quy định 1 năm cấp 1 lần thì đại diện người lao động có ý kiến đề nghị người sử dụng lao động cung cấp.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Hằng năm Báo đều tổ chức trên 10 cuộc Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. Hôm nay, tại quận Tây Hồ, sau gần 3 giờ, với hơn 30 câu hỏi tập trung vào những chế độ chính sách liên quan thiết thân đến người lao động như: Chế độ BHXH, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… hầu hết các câu hỏi đã được chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Cùng với đó, Báo cũng nhận được trên 100 câu hỏi gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của Báo Lao động Thủ đô nhưng do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu. Bởi vậy, Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc. |