Thị trường hàng hóa trong nước sôi động, nguồn cung đảm bảo
Thị trường phái sinh tháng 8: OI hợp đồng tương lai VN30 đạt kỷ lục mới 65.760 hợp đồng Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển thị trường lao động |
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 8 tháng năm 2022 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây và tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch bệnh.
Nguồn cung đảm bảo, giá không biến động lớn
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8/2022, thị trường hàng hóa trong nước diễn ra khá sôi động do chuẩn bị khai giảng năm học mới và Tết Trung thu. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Tám phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tháng 8/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội).
Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm, giá cả không có biến động lớn; một số mặt hàng nông sản thực phẩm giá có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao như trứng gia cầm, thịt gà…, riêng giá thịt lợn sau khi giảm vào đầu tháng thì lại có xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng; giá của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng tăng giảm theo giá thế giới; giá của các nhóm hàng khác tương đối ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2018 đạt 369,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; tháng 8/2019 đạt 416 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%).
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu tăng khá cao. Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm trước giảm 3,4% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương). Nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng tốt (tăng 15,4%) chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 Trong đó, nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 26,7%; may mặc tăng 14,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 14,1%; lương thực, thực phẩm tăng 12%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,6%.
Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây và tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch bệnh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid -19). Giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm liên tiếp trong hai tháng gần đây (tháng 7,8) đã phần nào tác động tích cực đến giá cả hàng hóa nói chung, kích thích tăng tiêu dùng trở lại. Bên cạnh đó, việc làm và thu nhập gia tăng, thị trường du lịch mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu gia tăng đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Ưu tiên giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả
Cũng theo Bộ Công Thương, với sự hồi phục tốt, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới trong các dịp lễ, tết sắp đến là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng tới. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than… Theo dõi sát tình hình sản xuất phân bón trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Đặc biệt, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Đối với các địa phương, sẽ theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ 2/9, noel, tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Theo Yến Nhi/vnmedia.vn