Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025: Điểm sáng trong bức tranh khu vực
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Đâu là động lực cho những tháng cuối năm? Kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng |
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 5/7, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong nửa đầu năm suốt 15 năm qua (từ 2011 đến 2025), vượt cả những năm tăng trưởng mạnh trước đại dịch như 2018 (7,43%) và 2019 (7,12%).
Trong đó, GDP quý II tăng 7,96%, chỉ thấp hơn mức kỷ lục 8,56% của quý II/2022. So với các năm gần đây, kết quả này vượt trội đáng kể: Năm 2020 tăng 0,34%, năm 2021 tăng 6,55%, năm 2023 tăng 4,34% và năm 2024 tăng 7,25%.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trái ngược với những tín hiệu tích cực từ Việt Nam, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Nhiều rủi ro địa chính trị leo thang, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực, chính sách tài khóa và tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ thay đổi liên tục, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Căng thẳng thương mại và thuế quan gia tăng làm gián đoạn thương mại quốc tế, trong khi lạm phát toàn cầu vẫn neo cao khiến các điều kiện tài chính bị siết chặt.
Bên cạnh đó, thế giới cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng. Những yếu tố này đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và làm gia tăng áp lực đối với các nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Thực tế này đã được phản ánh trong các báo cáo cập nhật của nhiều tổ chức tài chính quốc tế. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực đều giảm. Cụ thể, Philippines chỉ đạt 5,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm), Indonesia đạt 4,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 1,8% (giảm 0,7 điểm phần trăm) và Việt Nam được dự báo đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2024. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra các con số tương tự, trong đó Việt Nam chỉ được dự báo tăng trưởng 5,4%, thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với năm trước. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,2%.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng thực tế 7,52% là một thành công nổi bật. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đến từ sự phát triển đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu với mức tăng 8,14%, đóng góp 52,21% vào tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,2%, trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được mức tăng ổn định 3,84%, đóng góp 5,59%, đóng vai trò bệ đỡ an toàn trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng.
Xét về sử dụng GDP, tổng cầu nội địa tăng mạnh. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%, đóng góp tới 84,2% vào mức tăng trưởng chung, cho thấy thị trường trong nước phục hồi tốt. Tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%, phản ánh rõ nét niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế. Đồng thời, hoạt động thương mại quốc tế cũng khởi sắc với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17% và nhập khẩu tăng 16,01%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, yếu tố quyết định tạo nên kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian ngắn, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đột phá: tái cơ cấu tổ chức bộ máy, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân cấp - phân quyền rõ ràng, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ.
Đồng thời, việc theo sát biến động kinh tế thế giới, kịp thời điều chỉnh chính sách, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương đã giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Kết quả tăng trưởng cao trong nửa đầu năm không chỉ khẳng định nội lực và khả năng ứng phó linh hoạt của nền kinh tế, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các tháng cuối năm 2025.
P.T
Tin khác

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh 9,2% trong 6 tháng đầu năm - Mức cao nhất trong 5 năm

Hà Nội: Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước tăng 51,4% so với cùng kỳ

Ngày 1/7: Hải quan thông quan hơn 2,2 tỷ USD hàng hóa

Từ năm 2026: Áp thuế linh hoạt thay thế thuế khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh

Xuất khẩu thủy sản: Cần tăng tốc để đạt mục tiêu 5,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm
Có thể bạn quan tâm

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025: Điểm sáng trong bức tranh khu vực

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh 9,2% trong 6 tháng đầu năm - Mức cao nhất trong 5 năm

Hà Nội: Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước tăng 51,4% so với cùng kỳ

Ngày 1/7: Hải quan thông quan hơn 2,2 tỷ USD hàng hóa

Từ năm 2026: Áp thuế linh hoạt thay thế thuế khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh

Xuất khẩu thủy sản: Cần tăng tốc để đạt mục tiêu 5,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm

Giá xăng có thể giảm mạnh ngày mai 3/7: Lần thứ hai liên tiếp trong tuần

Từ 1/7, hàng loạt chính sách thuế mới chính thức có hiệu lực

Hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh vẫn phải kê khai, đóng thuế

Điều chỉnh đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư tăng hơn 3.700 tỷ đồng

Bộ Công Thương lên tiếng về vụ dầu ăn giả dùng cho người tiêu dùng

Trong tháng 7/2025, tiến hành tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp

Gần 14.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong một tuần

Ngành Thuế đẩy nhanh kiểm tra trước thời điểm áp dụng số định danh cá nhân
