Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển thị trường lao động
Nhiều ngành, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến chuyển đổi số Chính phủ chỉ đạo khẩn trương phục hồi y tế và bảo đảm nhân lực y tế |
TS Juergen Hartwig - Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ): "Cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề"
Việt Nam đang trở thành một quốc gia có triển vọng phát triển rất cao trong khu vực và việc Việt Nam có thể thực hiện được điều đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của người lao động.Việc nâng cao chất lượng của lực lượng lao động có thể thực hiện thông qua cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, gồm cả đào tạo ban đầu và suốt đời.
Khuyến nghị của chúng tôi, để đạt được một hệ thống đào tạo phù hợp là: tiếp tục đầu tư vào các trường đại học chất lượng cao phù hợp chuẩn mực quốc tế phục vụ yêu cầu của công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua các hội đồng kỹ năng tại các cấp khác nhau và có cách tiếp cận toàn quốc về huấn luyện toàn diện; cung cấp học bổng và giảm học phí cho các nhóm dễ bị tổn thương và tăng cường các chương trình đào tạo, đào tạo lại và tăng cường chuyên môn để đạt được chỉ tiêu 35-40% người lao động có kỹ năng đến năm 2030; tạo điều kiện cho những người tốt nghiệp trung cấp và tốt nghiệp THPT được theo học trình độ cao đẳng thông qua mô hình 9+ (lồng ghép nội dung giáo dục phổ thông vào chương trình cao đẳng).
Ông Nguyễn Xuân Sơn - đại diện Manpower tại Việt Nam: "Gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo"
Theo một khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường lao động. Ảnh minh họa. |
Chúng tôi có một số góp ý để doanh nghiệp thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, kết nối sinh viên với doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thứ hai, doanh nghiệp cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động. Thứ ba, nếu trước kia lương là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động thì hiện tại cần nhiều yếu tố để "giữ chân" lao động như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác. Doanh nghiệp hiểu chính lao động của mình thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Cần tăng số lượng lao động tốt nghiệp cao học”
Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu cho thấy, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong khi ở Singapore đứng thứ 79. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học. Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, chỉ rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc giáo dục cao học.
Điều này do người Việt chưa được tiếp cận với giáo dục cao học. Tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26,8%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình. Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng 8 năm.
Việc làm và nhu cầu việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Điều tra việc làm Việt Nam 2020 cho thấy việc làm đơn giản ngày càng giảm và việc làm trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần cải thiện hệ thống lao động để số lượng lao động tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng lao động để họ có đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời mình; đào tạo lao động có những kỹ năng mới, như kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao và kỹ năng xanh…
Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp trong thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động; đồng thời đầu tư vào hệ thống thông tin việc làm tích hợp giữa người lao động, người tuyển dụng lao động, các cơ sở đào tạo.