Giảm chi phí quản trị cho ngân hàng nhờ công nghệ Blockchain
Thu hẹp khoảng cách trong hệ thống thị trường số nhờ công nghệ Blockchain Kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao trong quý III-2022 |
Mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn
Theo các chuyên gia, khi áp dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống ngân hàng, chúng sẽ tạo ra nhiều thay đổi vượt bậc, cụ thể như việc giúp chuyển tiền quốc tế nhanh chóng. Bởi nhờ đặc tính của Blockchain, các giao dịch ngang hàng được thực hiện lập tức, với quy trình đơn giản hơn, đem tới hiệu quả cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng quốc tế.
Song song với đó, mạng lưới Blockchain được duy trì bởi hàng nghìn máy tính không có điểm trung tâm. Do vậy, tin tặc không thể tấn công và thay đổi dữ liệu hệ thống. Trước bối cảnh tội phạm mạng tràn lan, hay các cuộc tấn công bởi ransomware (phần mềm độc hại), công nghệ Blockchain giúp các ngân hàng tăng cường bảo mật và giảm gian lận trong không gian mạng.
Hơn thế nữa, Blockchain có khả năng giảm đáng kể chi phí dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm; vì một số tác vụ có thể được tự động hóa khi sử dụng Blockchain, chẳng hạn như thanh toán hoặc phát hành các khoản vay.
Quang cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain còn giúp giảm thiểu lỗi của con người, do những sai sót trong công tác kế toán. Công việc ghi chép và đối chiếu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gian lận. Bằng cách sử dụng phương pháp tự động ghi lại các giao dịch không thể thay đổi, nhiều quy trình thủ công sẽ được loại bỏ dần; do đó, Blockchain giảm thiểu sai sót của con người và nâng cao hiệu quả, cũng như giảm thiểu tác động từ các mối đe dọa mạng.
Ngoài ra, Blockchain giúp đẩy nhanh tiến trình cho vay ngang hàng (P2P), vì chúng sẽ có các giao dịch được giải quyết ngay lập tức. Điều này có thể giúp tránh các vấn đề như chi tiêu gấp đôi và vỡ nợ. Blockchain cũng có thể giảm thời gian mở tài khoản ngân hàng từ vài ngày xuống còn vài phút.
Với các ứng dụng cụ thể trên, trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho rằng, công nghệ Blockchain đang dần tiến vào ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng; từ chuyển tiền đến giao dịch chứng khoán, đến thanh toán xuyên biên giới. Công nghệ Blockchain đang sẵn sàng tạo ra tác động lớn trong giao dịch quốc tế và bảo mật tài sản kỹ thuật số.
“Nhìn chung, công nghệ Blockchain sẽ hỗ trợ ngân hàng mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp các tổ chức ngân hàng truyền thống cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp fintech (công nghệ tài chính). Để tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ Blockchain, trước tiên các ngân hàng cần phát triển cơ sở hạ tầng để vận hành các ứng dụng phù hợp. Đồng thời, cần rất nhiều ngân hàng - tổ chức tài chính tham gia vào tiến trình ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm sớm thúc đẩy hành lang pháp lý cũng như chính sách cho phép thí điểm các giải pháp tại Việt Nam và lan rộng ra quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay.
Đem tới sự thay đổi tích cực không thể phủ nhận
Thống kê của ReportLinker (công ty công nghệ giúp đơn giản hóa cách khảo sát và phân tích thị trường cho doanh nghiệp), Blockchain toàn cầu trong thị trường dịch vụ tài chính và ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2021, lên 1,89 tỷ USD trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 61,9%.
Dù Bắc Mỹ đang là khu vực lớn nhất trong thị trường tài chính - ngân hàng Blockchain năm 2021, nhưng Châu Á - Thái Bình Dương cũng được kỳ vọng sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong thời gian dự báo. Ở quốc tế, các công ty lớn đang ứng dụng Blockchain vào hoạt động tài chính - ngân hàng gồm có Amazon Web Services, Microsoft, IBM, Intel, JPMorgan, ConsenSys, R3, Oracle…
Bởi vậy, khi ứng dụng Blockchain vào tài chính - ngân hàng, nó mang lại nhiều lợi thế như tối ưu hóa vốn, giảm chi phí hoạt động, cải thiện tính minh bạch và giúp gia tăng các giải pháp tài chính. Về bản chất, Blockchain là một sổ cái phân tán gồm các bản ghi hoặc cơ sở dữ liệu công khai được chia sẻ công khai giữa những người dùng khác nhau và tạo ra một bản ghi không thể thay đổi về các giao dịch của họ. Các giao dịch này được bảo mật bằng mật mã để đảm bảo chống các thao tác giả mạo.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: Những tác động mà Blockchain mang lại đang dần thể hiện rằng, đây là lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thể sánh kịp và thậm chí vượt lên so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Với những tác động mang tính cách mạng cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, có thể nhận định rằng, tiềm năng phát triển hệ sinh thái Blockchain là rất lớn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, còn nhiều những ưu điểm chưa được khai thác trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain. |
Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức. Do nước ta không có nhiều chuyên gia Blockchain, cùng mức độ am hiểu người dân về công nghệ này còn hạn chế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng đảm bảo cho đến hành lang pháp lý cụ thể vẫn chưa được hoàn thiện.
“Nhìn chung công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, cũng là đang trên đà phát triển, sẽ vẫn xảy ra các hạn chế khó tránh khỏi. Nhưng, sự thay đổi tích cực của công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận. Còn nhiều những ưu điểm chưa được khai thác và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực, quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.