Đan Phượng: Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận
Những triền đê rực rỡ sắc hoa Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí của đô thị |
Đổi thay vùng đất ngoại thành
Đan Phượng, một trong những địa phương tiêu biểu của thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới, quá trình phát triển nông thôn mới và xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, đã mang lại những đổi thay rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Nói về những khó khăn khi triển khai chủ trương phát triển thành phường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tân Lập, huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Học chia sẻ, khi thực hiện đề án, Tân Lập đã bám sát các tiêu chí, chọn việc dễ làm trước, khó làm sau.
Đơn cử như việc rà soát lại các ao hồ, quỹ đất công để có phương án cải tạo ao, xây dựng vườn hoa công viên. Nhờ có sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn, đến năm 2016, Tân Lập đã xây dựng được 11 vườn hoa sân chơi, cải tạo được 14/20 ao, hồ. Số ao còn lại, Tân Lập cũng đã có chủ trương đầu tư để thực hiện trong thời gian tới.
Quá trình phát triển nông thôn mới và xây dựng huyện thành quận, xã thành phường đã mang lại những đổi thay rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Đan Phượng |
Tuy nhiên, việc “quá độ” từ xã lên phường cũng đặt ra cho xã rất nhiều việc làm cần giải quyết. Ví dụ như việc quản lý an ninh trật tự tại Khu đô thị Tân Tây Đô (nằm trên địa giới hành chính của Tân Lập, nhưng dân lại do Ban Quản lý tòa nhà quản lý) với hàng chục nghìn người sinh sống.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết, xã đã phải cử lực lượng Công an xã, huyện và tăng cường Công an huyện xuống địa bàn, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình quản lý địa bàn của xã và khu đô thị. Trong đó, Đài Truyền thanh xã hằng ngày thường xuyên phát đi những bản tin tuyên truyền, vận động người dân; tuy nhiên, cư dân đô thị Tân Tây Đô lại cho rằng họ bị… làm phiền. Do đó, cán bộ xã đã phải từng bước giải thích với cư dân. Nói đúng, làm đúng, nên xã Tân Lập cũng đã có được sự đồng thuận của người dân.
“Dù còn nhiều khó khăn cần giải quyết, song người dân xã Tân Lập rất mong xã sớm phát triển thành phường. Bởi lẽ, khi phát triển thành phường, hạ tầng của xã sẽ tiếp tục được đầu tư để đáp ứng các tiêu chí đô thị. Vị thế của người dân cũng sẽ khác hơn khi giao dịch, làm ăn với đối tác. Bởi một doanh nghiệp có trụ sở đặt tại phường chắc chắn sẽ tự tin hơn “mác” doanh nghiệp làng”, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Nhiều cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia đã được đầu tư nâng cấp, xây mới. |
Trong khi đó, quá trình “biến” một xã thành phường tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) cũng không ít gian nan, vất vả. Theo Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân Lê Xuân Hưng, đây là hành trình nỗ lực phấn đấu của địa phương trong rất nhiều năm. Từ đầu những năm 2010, Thọ Xuân đã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đổi thay rõ nét diện mạo nông thôn.
Trước khi xây dựng nông thôn mới, Thọ Xuân là xã khó khăn của huyện Đan Phượng. Các tuyến đường giao thông của xã còn lầy lội, đi lại khó khăn, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự vận động, xã hội hóa ở địa phương đã đóng góp được hàng tỉ đồng từ hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân; cùng đó, nhiều hộ gia đình sẵn sàng hiến đất, mở rộng các tuyến ngõ còn nhỏ hẹp…
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị xã, năm 2015, Thọ Xuân đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2021 hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và năm 2022 hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 2 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; y tế. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt trên 77 triệu đồng/người/năm.
Chung tay xây dựng "phố trong làng"
Đi trên những tuyến đường bê tông rộng đẹp, sạch sẽ, ngõ có số, tường có tranh, xung quanh cây cảnh, điện đường sáng... có thể cảm nhận rõ tốc độ “phố hóa” rất nhanh của vùng quê, ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Song Phượng cho biết, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, nông thôn mới nâng cao năm 2018, và tháng 6/2022 đón nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu do thành phố Hà Nội trao.
Dễ dàng nhận thấy tốc độ “phố hóa” rất nhanh ở vùng ven đô |
Ngay sau đó, xã luôn nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển xã thành phường. Cùng với việc tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo cho giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đảng ủy, HĐND, UBND xã Song Phượng đã huy động sự chung tay, đồng thuận của nhân dân để hoàn thành các con đường liên thôn. Tuyến đường trục chính của xã cũng đã được đầu tư hệ thống điện cao áp đô thị; các tuyến đường trục thôn đã có đèn chiếu sáng đồng bộ. Các công trình như trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ… cơ bản đã được xã đầu tư nâng cấp, xây mới.
Quá trình phát triển huyện thành quận ngoài những thuận lợi cũng có không ít khó khăn, bởi đây là một chủ trương mới với nhiều mục tiêu không thể ngày một, ngày hai có thể hoàn thiện. Là một trong 5 địa phương xây dựng huyện thành quận, Đan Phượng đã và đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, từ năm 2021, huyện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí cấp huyện, hiện đã đạt 6/9 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, kinh tế, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự - hành chính công; 2 tiêu chí cơ bản đạt là giao thông và môi trường; chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là y tế - văn hóa - giáo dục, do chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tỉ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Nhiều tuyến đường trục chính được đầu tư hệ thống điện cao áp đô thị, có đèn chiếu sáng đồng bộ... |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đối với 5 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm phấn đấu thành quận, ngày 30/6/2023, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt. Các huyện hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình UBND Thành phố trước tháng 9/2023 và riêng huyện Hoài Đức hoàn thiện hồ sơ trong quý 1/2024.
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu: Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Để hoàn thành, Thành phố phải bảo đảm chỉ tiêu có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Thành phố yêu cầu, các huyện phải có kế hoạch rõ ràng hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ động phối hợp, hướng dẫn các huyện hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng để sớm trình Thành phố và Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.