Thực hiện Kế hoạch 01 – Kỳ 3: Có phạt nguội được không?
Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện Giai đoạn 3 của Kế hoạch 01/KH-BCĐ197, từ 1/4 đến 1/11, các lực lượng duy trì kiểm tra, xử lý, không để vi phạm tái diễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả xử lý chưa bền vững, vẫn có tình trạng tái vi phạm, tái lấn chiếm.
Có thực trạng, khi lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị (TTĐT) ở đầu phố thì các hàng quán trên phố nhốn nhác thu dọn gọn gàng, khi lực lượng đi qua thì đâu lại vào đấy. Hay việc xử lý các xe ô tô dừng đỗ trái quy định, lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để liên hệ chủ xe, lập biên bản vi phạm hành chính, cẩu xe… thì các xe đằng sau có thời gian để di chuyển. Nhiều trường hợp “thoát” xử phạt dẫn đến kết quả xử lý vi phạm ở các địa phương chưa tương xứng với tình hình địa bàn.
Công an phường Yên Hòa (Cầu Giấy) kiên quyết xử lý một phương tiện dừng đỗ sai quy định trên đường Nguyễn Khang, tuy nhiên nhiều trường hợp vi phạm khác có thời gian để di chuyển, "thoát" xử phạt. |
Thời gian qua, việc xử lý vi phạm giao thông qua hình thức phạt nguội đã khá phổ biến ở Hà Nội. Biện pháp này đem lại nhiều hiệu quả, cũng như giảm bớt được các khó khăn, tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất áp dụng hình thức phạt nguội để xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè,…
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng: “Thành phố Hà Nội nên tận dụng các ưu điểm của công nghệ 4.0 để kiểm soát trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Các phường đều có hệ thống camera giám sát, các đồng chí trực theo dõi thấy có vi phạm ở tuyến phố nào thì chỉ đạo lực lượng ra xử lý ngay. Các lực lượng ở Tổ dân phố nắm địa bàn, phát hiện ra vi phạm có thể quay phim, chụp ảnh lại để thông báo cho lực lượng chức năng xuống xử lý. Phạt nguội cũng là một biện pháp để giảm thiểu tiêu cực.”
Lực lượng 197 phường Phú Đô ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồng Đô sau khi tiếp nhận hình ảnh, phản ánh của Lao động và Pháp Luật. |
Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm vỉa hè gặp khó khăn là do cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa quyết liệt, chưa chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp giải quyết hiệu quả đối với từng vi phạm cụ thể. Bên cạnh đó còn ngại va chạm, né tránh nên hiệu quả công tác chưa cao. Đề xuất phạt nguội cũng là một công cụ hữu ích cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu, đánh giá thêm.
"Các vi phạm về vỉa hè chủ yếu là bàn ghế, biển bảng để không đúng quy định. Những đồ vật này không được đăng ký, nói cách khác là khó xác minh được chủ thể vi phạm, dẫn đến khó khăn trong việc lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính. Mặc dù có hình ảnh, video về việc để bàn ghế lấn chiếm vỉa hè nhưng việc làm rõ chủ thể vi phạm để xử lý là rất khó", Thượng tá Lương Anh Tuấn dẫn chứng.
Thượng tá Lương Anh Tuấn cũng có ý kiến thêm, các Bộ, ngành liên quan cần xem xét đánh giá về đề xuất phạt nguội trong xử lý vi phạm về trật tự đô thị, cần phải luật hóa những quy định về phạt nguội để cơ quan thực thi và người dân áp dụng hiệu quả. Đồng thời cần xem xét việc cấp Giấy phép kinh doanh, trong đó có cụ thể về việc phải đảm bảo diện tích bố trí hàng hóa, bàn ghế,… cam kết không lấn chiếm vỉa hè. Nếu sử dụng vỉa hè thì được phép sử dụng khu vực nào, diện tích bao nhiêu. Như vậy, cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý thông qua hình thức phạt nguội nếu chủ hộ cố tình vi phạm.
Khách hàng nhốn nháo "chạy bàn" khi thấy lực lượng chức năng. |
Vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè sao cho hiệu quả đã được bàn đến hàng chục năm qua, Thành phố Hà Nội đã cụ thể những quy định này tại Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND Thành phố Ban hành quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã tiến hành kẻ vạch sơn trên các tuyến phố đủ điều kiện để tổ chức sắp xếp xe đạp, xe máy của dân gọn gàng, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, vẫn còn khoảng trống để người đi bộ lưu thông.
Từ khi thực hiện Kế hoạch 01, bộ mặt đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để duy trì bền vững và quản lý hiệu quả thì việc ban hành các chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe và đảm bảo sự minh bạch, bình đẳng là điều cần thiết.