Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí của đô thị
Huyện Đan Phượng tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 Người dân mong chờ Dự án đường Vành đai 4 được khởi công |
Hiệu quả nông thôn mới mang lại
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi về xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, diện mạo làng xóm, các tuyến đường liên xã rất khang trang, sạch đẹp. Trước đó vài ngày, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lập vô cùng tự hào khi đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tân Lập là xã đông dân của huyện Đan Phượng với trên 7.200 hộ, hơn 25.200 nhân khẩu. Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
Mọi mặt trong đời sống xã hội đúng với tinh thần được nâng cao; cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm mỗi ngày một đổi mới. |
Bà Quách Thị Lý (cụm dân cư số 9, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) phấn khởi về kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bà Lý chia sẻ, là địa phương đi lên từ sản xuất nông nghiệp đến nay được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, người dân chúng tôi rất phấn khởi, tự hào. Mọi mặt trong đời sống xã hội đúng với tinh thần được nâng cao; cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm mỗi ngày một đổi mới. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp tạo điều kiện hơn nữa để địa phương chúng tôi duy trì và phát triển, kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị xã, đến nay xã chúng tôi đã đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2014, xã Tân Lập đã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mới đây, ngày 28/6, xã Tân Lập tổ chức lễ đón nhận Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các trường Mầm non Tân Lập, Tiểu học Tân Lập B, Trung học cơ sở Tân Lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết, trước những yêu cầu của việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, năm 2022 xã Tân Lập đã mạnh dạn đăng ký với Ban Chỉ đạo huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và hướng tới mục tiêu xây dựng xã thành phường. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 82 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân toàn huyện Đan Phượng.
Những tuyến đường liên thôn, liên xã khoác lên mình "những tấm áo mới" |
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập, lựa chọn hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế, để đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Tân Lập đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế cũng như bảo đảm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ..
Cũng như xã Tân Lập, nhiều địa phương trong huyện Đan Phượng đã và đang phát huy những lợi thế của xã nông thôn mới. Xã Đồng Tháp là một trong những địa phương có phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới khá sôi nổi của huyện Đan Phượng. Trong những năm qua, xã đã được huyện Đan Phượng đầu tư xây dựng, cải tạo các tuyến đường giao thông liên xã, trục thôn, liên thôn… với tổng chiều dài hơn 27km, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.
Năm 2019, xã Đồng Tháp đã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trước yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, năm 2022 xã Đồng Tháp đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo tiền đề để đạt mục tiêu xây dựng xã thành phường.
Nhân dân các xã nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, từng bước hiện đại |
Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy cho biết, với quyết tâm cao, xã đã huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được UBND xã quan tâm đẩy mạnh sử dụng trong quản lý, điều hành.
Các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ người dân như trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà văn hóa 5 thôn, bảo đảm người dân có điều kiện tiếp cận các nền tảng số, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
“Danh hiệu trên là tiền đề quan trọng để nhân dân và cán bộ xã Đồng Tháp tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, từng bước hiện đại, xây dựng xã sớm trở thành phường trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy bày tỏ.
Không bằng lòng với kết quả đạt được
Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng luôn chủ động, sáng tạo và xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng giai đoạn phát triển và là huyện đi đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới.
Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế cũng như bảo đảm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ |
Sau khi về đích nông thôn mới, không bằng lòng với kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm và quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.
Đến nay, toàn huyện đã có 12/15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó mỗi xã đạt kiểu mẫu từ 2 lĩnh vực trở lên, xã Đan Phượng đạt kiểu mẫu trên 5 lĩnh vực. Với những kết quả đạt được, huyện Đan Phượng tiếp tục là huyện dẫn đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra nhiệm vụ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí phát triển đô thị.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân |
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình số 07 của Huyện ủy Đan Phượng về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021 - 2025”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Đan Phượng lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông, nhà văn hóa, vườn hoa, sân chơi, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Đan Phượng đã có 54/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 33/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Duy trì 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và mô hình bác sĩ gia đình được triển khai hiệu quả... Nhờ đó, hầu hết các xã của huyện được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ít nhất 2 lĩnh vực: Giáo dục và Y tế.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận.
Huyện Đan Phượng không chỉ được biết đến là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ "ba đảm đang" mà còn là điểm sáng của Thủ đô khi là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đến hết năm 2020, huyện có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. với mục tiêu hoàn thành xây dựng 15/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước khi phát triển lên quận, ngay từ đầu năm 2021, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tiêu chí các phường để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng xã. Trong đó, huyện chọn xã Đan Phượng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô và 4 xã (Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 1 xã so với tiêu chí Thành phố giao. |