Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư, ô phố trong đô thị: Khó nhưng cấp thiết
Phát triển đô thị gắn với quy hoạch sử dụng đất: Giảm ùn tắc giao thông Vốn hóa đất đai nhìn từ kinh nghiệm thế giới Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm |
Tuy nhiên trên thực tế, công tác này còn nhiều thách thức và tồn tại, hạn chế trong khi dân số cơ học ngày càng tăng, gây sức ép lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội vốn đã thiếu của các ô phố, khu dân cư.
Manh mún, lộn xộn
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều làng xóm ven đô Hà Nội giờ đây đã trở thành khu vực nội thị và hình thành các điểm dân cư, ô phố không được quy hoạch đồng bộ ngay từ ban đầu. Đặc biệt, từ cuối thập niên 1990 và thập niên 2000, nhiều tuyến giao thông chính của Hà Nội, như đường Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà... được mở rộng, các ô phố được hình thành một cách rõ nét. Trong các ô phố này thường có mật độ dân số rất cao, nhà ở hầu hết là nhà dân sinh tự phát, thấp cấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được bố trí đầy đủ và quá tải trầm trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Đường Lê Trọng Tấn khang trang, sạch, đẹp. Ảnh: Thanh Hải |
Điển hình tại khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, trước khi lên phường là xã thuần nông với khoảng gần 14.000 người. Nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng nên dân số của phường Hoàng Liệt đến nay đã lên đến gần 100.000 người. Dân số tăng nhanh nhưng việc tái thiết, xây dựng hạ tầng chưa được phát triển song hành dẫn đến câu chuyện quá tải trường học, giao thông tại khu vực này.
KTS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Việt Nhà ở và công trình công cộng (Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây dựng) cho hay, các ô phố của Hà Nội hiện có mật độ dân cư rất cao, trung bình trên 20.000 người/km2, trong đó tại một số quận như Đống Đa, Thanh Xuân có mật độ dân số trên 30.000 người/km2. Trong các ô phố, mật độ xây dựng của công trình nhà ở riêng lẻ hầu hết đạt tới 100%. Về mặt ngoài các ô phố, tuyến phố chính đã và đang được quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng… Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các ô phố của Hà Nội thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân.
Cùng quan điểm, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực dân cư hiện có hình thái cảnh quan còn thiếu tính trật tự, sạch đẹp, nhiều nơi còn nhếch nhác, kiến trúc thiếu ổn định, đặc trưng… Trong đó, sự manh mún, lộn xộn của các khu vực, tuyến đường dân cư hiện hữu là một trong những tác nhân chính, chủ yếu tập trung xảy ra trong khu vực xây dựng nhà ở riêng lẻ thấp tầng tại khu vực đô thị hiện hữu và khu vực làng xóm trước đây đô thị hóa, nhà chung cư cũ bị cơi nới…
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua, ngành quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị và chính quyền các địa phương của Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố. TP đã có nhiều chương trình, đề tài, dự án để cải tạo đô thị. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các dự án này mới tập trung chính vào việc cải tạo chung cư cũ, cải tạo tuyến đường, tuyến phố... còn việc cải tạo đô thị đồng bộ theo các ô phố còn ít được quan tâm. Đặc biệt là các ô phố trong khu vực nội thành có quá trình phát triển từ làng xóm đô thị hóa trong giai đoạn trước đây là khu vực có nhu cầu cải tạo cấp thiết nhất nhưng tiến độ vẫn còn chậm.
Để kiến tạo cho người dân môi trường sống văn minh, hiện đại, tiện ích, trước hết hãy nhắm đến giải quyết triệt để những khu nhà ở cấp thấp. Chúng ta cần nguồn lực từ cơ quan quản lý Nhà nước, DN và các nhà quy hoạch, kiến trúc sư… để thực hiện cuộc “cách mạng” về nhà ở, về cải tạo đô thị, hướng tới phát triển bền vững. Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam, KTS Lê Trương |
Theo KTS Nguyễn Minh Đức, tại các ô phố của Hà Nội hiện mới chỉ diễn ra hình thức cải tạo đô thị theo kiểu đơn lẻ, nhiều hộ dân cư trong đô thị tự xây mới, xây xen, cải tạo nhà ở, ít đóng góp cho việc cải thiện cảnh quan chung của khu vực. Tại các ô phố trong khu vực nội thành, một số công trình công cộng như trường học, trụ sở cũng được cải tạo xây mới nhưng do chủ yếu được xây dựng từ ngân sách Nhà nước nên kiến trúc còn đơn điệu, ít đột phá. Một số tuyến phố chính được triển khai cải tạo, chỉnh trang như tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (quận Hoàn Kiếm)… nhưng chủ yếu chỉ là sửa chữa mặt đứng, biển hiệu, biển quảng cáo, hệ thống cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng…
Nói về nguyên nhân dẫn đến công tác cải tạo chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư, ô phố của của Hà Nội còn nhiều tồn tại, hạn chế, ông Lưu Quang Huy nêu: Tiến độ lập đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố và thậm chí cả các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc hiện đang thiếu và chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị ngay cả trong các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu, nhất là khâu đánh giá mặt đứng các tuyến phố hiện trạng, làm cơ sở phát triển lành mạnh cho những kiến trúc mới cải tạo hoặc xây mới, dẫn đến công trình xây dựng đơn lẻ thiếu tính tổng thể và manh mún.
Cải tạo đô thị là một nội dung rất cần thiết, cấp bách nhưng cũng là một trong những nội dung khó, cần có sự tham gia của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cần xem xét, đánh giá cụ thể công tác cải tạo ô phố tại đô thị trên toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng. Đồng thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cơ chế chính sách cải tạo ô phố, khu dân cư hiện hữu.
Theo Vũ Lê/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/cai-tao-chinh-trang-khu-dan-cu-o-pho-trong-do-thi-kho-nhung-cap-thiet.html