Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm
Theo đó, về Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tuyến có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn Dự án đạt khoảng 75,8%, trong đó đoạn trên cao đạt 97%, đoạn ngầm đạt 42%. Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4km theo kế hoạch.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô ngày càng đồng bộ. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), được khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km, mặt cắt ngang 19,3m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Đến nay, đã giải ngân được 55,6% kế hoạch vốn, Dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Theo dự kiến, thời gian hoàn thành toàn Dự án vào tháng 6/2023.
Về Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội, được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm).
Tổng diện tích dành cho Dự án là 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay, Dự án đã giải ngân đạt 42,6% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn Dự án vào năm 2024.
Với Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) được khởi công vào ngày 29/10/2021 và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do biến động của giá vật liệu xây dựng và một số vấn đề khác nên đã chậm so với tiến độ, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Đến nay, tại phía đường Phạm Ngọc Thạch, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới từ tháng 10/2022. Tại phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công mố trụ. Kết cấu dầm phần trên phía đường Phạm Ngọc Thạch đã có đủ điều kiện thi công từ tháng 10/2022, hiện đang làm thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm để triển khai thực hiện. Như vậy, so với tiến độ nhà thầu đã cam kết, đến nay đã bị chậm 1 tháng.
Đến nay, toàn bộ cọc khoan nhồi và 6 mố trụ phía đường Phạm Ngọc Thạch đã được thi công xong; việc gia công chế tạo dầm thép tại xưởng cũng cơ bản hoàn thành. Nhà thầu đang phối hợp với Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam để thống nhất phương án vận chuyển cấu kiện qua trạm làm cơ sở cấp phép vận chuyển. Dự kiến, Dự án sẽ thông xe trong quý I/2023.
Về tình hình thực hiện Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, Dự án có chiều dài 3,7km, chia làm 4 đoạn.
Đối với đoạn 1, đoạn 2 (từ nút giao Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ) và đoạn 4 (từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân) thời gian qua phải ngừng thi công từ ngày 15/6 đến 31/10/2022 do trong mùa mưa lũ. Đối với đoạn 3 (từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân), đến nay chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép thi công.
Đến thời điểm này, đoạn 1, 2 và 4 đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép phân luồng giao thông để tiến hành thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các nhà thầu làm công tác chuẩn bị lắp đặt rào chắn, cắm biển theo phương án phân luồng để thi công từ ngày 5/11/2022.
Các công trình hạ tầng góp phần tích cực cải thiện ùn tắc giao thông Thủ đô. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Dự kiến, trong tháng 11/2022 sẽ di chuyển chính thức các tủ điện phía đường 5m ngoài đê, hoàn chỉnh các đốt tường chắn bê tông cốt thép còn lại (4 đốt tường) và thảm toàn bộ tường 5m ngoài đê từ Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực; đồng thời thi công hoàn chỉnh phần mở rộng đường đoạn 4.
Đối với đoạn 3, Ban Quản lý đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chấp thuận để cấp phép thi công. Ban đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND thành phố Hà Nội cấp phép thi công; dự kiến sẽ hoàn chỉnh Dự án vào đầu năm 2024.
Được biết, Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đơn cử, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được xây dựng đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt, An Dương-Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường Tản Lĩnh-Ba Vì; hầm chui Lê Văn Lương... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.