5 giải pháp nhằm ổn định thị trường trái phiếu
Doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu riêng lẻ trước hạn nếu vi phạm pháp luật Sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng 8,1% |
Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Mặc dù Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 65 song Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, vẫn cần rà soát và sửa đổi ở cấp độ Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, toạ đàm cấp cao diễn ra vào buổi chiều ngày 18/9, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, cải cách pháp luật chính là giải pháp đầu tiên để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu, đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra: Đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu chiếm 47% GDP trong đó riêng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20% GDP.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ |
Giải pháp thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua rất đông đảo nhưng hầu hết không chuyên nghiệp. Hiện nay, thị trường Việt Nam đang rất vắng bóng nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức. Chính vì vậy, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong thời gian tới. Họ là những công ty quản lý quỹ hoặc các ngân hàng đầu tư. Còn nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu mua trái phiếu sẽ thông qua các định chế chuyên nghiệp nói trên.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cũng phải được đào tạo nâng cao hiểu biết, kỹ năng trong quá trình phân tích rủi ro tài chính của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình, tránh xảy ra hiện tượng không quản trị rủi ro tốt sau đó quay ngược lại đòi hỏi cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm.
Giải pháp thứ ba được lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất là nâng cao chất lượng của các trung gian tài chính tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: Công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các công ty xếp hạng tín nhiệm…
Đầu tiên là nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của những người trực tiếp thực hiện dịch vụ này. Thứ hai là chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp. Những dịch vụ trung gian này đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp rất cao. Nếu rủi ro đạo đức ở những khâu này thì sẽ dẫn đến rủi ro cho toàn bộ thị trường, bao gồm cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
Giải pháp thứ tư, thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường trái phiếu theo hướng thể chế hóa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các bên liên quan trong quá trình này gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức trung gian và cơ quan quản lý nhà nước.
Giải pháp thứ 5 là truyền thông minh bạch, kịp thời đến xã hội về các chính sách, quy định của pháp luật đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2022 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong Nghị định 65 mà chỉ làm rõ và minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành; đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể.
“Doanh nghiệp làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành. Còn các trường hợp cố tình làm sai sẽ lộ ngay và không được phát hành ra thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu minh bạch”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bảo Thoa