Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm tải ùn tắc giao thông
Hiệu quả tích cực
Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là cây cầu vượt lắp ghép nhẹ, thông xe từ cuối tháng 4/2012. Sau khi đưa vào khai thác, cơ quan chức năng đã thiết lập hệ thống biển báo đi chậm, cấm xe tải, xe khách, cấm người đi bộ và đặt khung giới hạn, biển báo cấm các xe có chiều cao quá 2,2m lưu thông trên cầu.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thường xuyên xảy ra sự cố khi các xe khách, xe tải... di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông tại khu vực.
Đáng nói, dù cây cầu vượt này sau đó được lực lượng chức năng đặt biển cảnh báo, hạn chế các phương tiện vượt quá chiều cao, song tại đây lại thường xuyên xảy ra các vụ việc như ô tô đâm vào thanh chắn chiều cao cầu, ô tô đánh sập khung hạn chế chiều cao..., gây mất an toàn giao thộng, ùn tắc tại khu vực.
Nhằm giảm thiểu tình trạng trên, thành phố Hà Nội đã thí điểm lắp đặt các biển cảnh báo điện tử thông minh, cảnh báo người dân sớm có phương án di chuyển phù hợp hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, biển báo tại đây có khả năng phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Qua đó, hệ thống trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử, được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.
Ngoài việc phát ra cảnh báo vi phạm, biển báo điển tử cũng tiến hành thống kê số lượt phương tiện qua lại tại đây, từ đó giúp các cơ quan chức năng thống kê lưu lượng phương tiện di chuyển mỗi ngày, từ đó có các giải pháp điều tiết, cảnh báo thích hợp.
Biển cảnh báo điện tử thông minh tại nút giao Ngã Tư Sở. |
Không chỉ tại cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, nhằm giúp các phương tiện lựa chọn hướng di chuyển đúng, hạn chế ùn tắc tại Ngã Tư Sở, lối lên Vành đai 2 trên cao đoạn Trường Chinh - Ngã Tư Sở cũng được lắp đặt hệ thống biển báo thông minh từ đầu năm 2023 nhằm kịp thời thông báo cho tài xế về tình hình ùn tắc. Thông tin cảnh báo còn đi kèm hình ảnh ùn tắc tại Ngã Tư Sở.
Đánh giá về hiệu quả của các biển báo giao thông thông minh, ông Nguyễn Văn Ninh (Cầu Giấy) cho rằng, thông qua bảng điện tử này, người dân dễ dàng lựa chọn hành trình khác thuận lợi hơn khi nhận được cảnh báo phía đầu Ngã Tư Sở khi ùn tắc cục bộ hoặc tiếp tục di chuyển nếu nhận được thông báo là giao thông ổn định.
Còn anh Lê Đức Tài, (tài xế xe khách) cho biết: “Với thông số kỹ thuật được lập trình sẵn, chỉ cần hệ thống camera phát hiện phương tiện có chiều cao vượt quá thanh chắn, bảng báo điện tử sẽ hiện biển số xe để cảnh báo cho lái xe chọn hướng di chuyển khác. Như vậy trong thời tiết xấu hay đêm tối, tài xế cũng dễ dàng nhìn thấy và chọn hướng đi phù hợp”.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là địa điểm đầu tiên được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm lắp đặt biển cảnh báo.
Cây cầu vượt này trước đây đã nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định… cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Từ ngày lắp biển cảnh báo, vi phạm đã giảm nhiều. Cùng với Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, biển báo giao thông thông minh tại nút giao Ngã Tư Sở cũng đang phát huy hiệu quả tích cực.
Cụ thể, tại nút giao Ngã Tư Sở qua theo dõi trong thời gian thí điểm từ ngày 13/1 - 1/6/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá hệ thống biển giao thông thông minh hoạt động ổn định; cung cấp thông tin về tình hình giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở kịp thời và phù hợp. Qua đó giúp người lái xe điều chỉnh hướng đi phù hợp, góp phần giảm tải về lưu lượng cho khu vực này.
Biển báo thông minh tại Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc phát huy hiệu quả tích cực. |
Đối với thí điểm hệ thống cảnh báo các phương tiện quá khổ giới hạn chiều cao qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, thời gian thí điểm từ ngày 1/12/2022 -1/6/2023. Sở Giao thông Vận tải đánh giá hệ thống đã hoạt động ổn định và giảm được số lượng va chạm vào khung hạn chế chiều cao của cầu vượt.
Theo thống kê trong thời gian thí điểm có tổng số phương tiện qua cầu theo cả 2 chiều là 13.413.398 phương tiện. Số lượng phương tiện được phát hiện và cảnh báo trước khi lên cầu là 125.263 phương tiện.
Tuy nhiên, trong công tác thí điểm như vị trí lắp đặt camera đang tận dụng tại khung hạn chế chiều cao của cầu, phạm vi cảnh báo là 15m vì vậy phản ứng của người lái xe đối với cảnh báo hơi gấp. Phần mềm nhận biết vẫn còn cảnh báo một số phương tiện có chiều cao thấp hơn khung (như xe khách 16 chỗ với chiều cao 2,2m).
Qua thời gian thí điểm với nhiều kết quả tích cực, mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép Sở được tiếp nhận hệ thống biển báo thông minh để đưa vào tổ chức quản lý, bảo trì và tiếp tục áp dụng trên các tuyến đường khác để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông bằng nguồn vốn quản lý, bảo trì đường bộ đã giao cho Sở Giao thông Vận tải năm 2023 và các năm tiếp theo.
Đối với công tác thí điểm cảnh báo các phương tiện quá khổ giới hạn chiều cao qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất tiếp tục tổ chức thí điểm đến hết năm 2023 để khắc phục các tồn tại về phần mềm sau đó tiếp tục đánh giá và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo chuyên gia giao thông, mô hình biển báo thông minh rất đáng để nhân rộng ở Hà Nội và các thành phố lớn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc lắp đặt biển báo thông minh cũng cần lưu ý việc lựa chọn tuyến đường tránh lãng phí và không phát huy được hết tác dụng. Đơn vị quản lý cũng cần lắp đặt biển báo to, hiệu ứng chạy đặc biệt hơn để lái xe có thể dễ dàng nhận biết từ xa. |