Tăng cường phòng ngừa cháy, nổ ở các huyện ngoại thành
Quận Hoàn Kiếm thí điểm mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" Phát huy vai trò của Công đoàn trong tham gia phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp |
Nhiều tồn tại, vướng mắc
Theo thống của cơ quan Công an, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 5.368 khu dân cư/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; 9.483 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; 5.569 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục bệ, mái che mái vẩy chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy.
Về nguồn nước, hiện có 3.482 trụ nước trên toàn Thành phố; 722 trụ nước chữa cháy của các khu đô thị, khu công nghiệp, 16 bể nước chữa cháy 11 hố thu nước chữa cháy; 3.670 bể nước của các cơ sở có khối tích trên 10m và 3.493 nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, sông...).
Qua điều tra, Thành phố hiện còn thiếu 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hồ thu nước chữa cháy. Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) , đây chính là những khó khăn thực tế trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm gây rất nhiều khó khăn trong triển khai công tác PCCC&CNCH…
Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại cả về người và tài sản |
Trong 2 năm gần đây, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 772 vụ cháy, nổ, trong đó có 16 vụ cháy lớn, 14 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 32 người chết, 51 người bị thương, thiệt hại về tài sản 46,7 tỷ đồng và 25 ha rừng. So với cùng kỳ 2 năm trước đó, số vụ cháy, nổ giảm 302 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 257,3 tỷ đồng, giảm 4 người chết và giảm 15 người bị thương.
Dù con số đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng nhìn thẳng vào thực tế, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó đặc biệt là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị còn chưa chủ động, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ chưa kịp thời nên hiệu quả thực hiện tại các cơ sở, nhất là cấp phường, xã, thị trấn, còn hạn chế, dẫn đến còn tình trạng chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở không chấp hành các quy định về PCCC…
Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội xác định, không được chủ quan, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, tổ chức các mô hình PCCC tại cơ sở, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân để hạn chế nhiều hơn nữa các vụ cháy xảy ra.
Phòng ngừa ngay từ cơ sở
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn huyện Thanh Trì đã có những chuyển biến tích cực, các vụ cháy nổ, cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra đã được kiềm chế. Song nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ là rất lớn, đặc biệt là tại các cơ sở trọng điểm về PCCC như: các cơ sở kinh doanh, kho hàng, cơ sở sản xuất, chợ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân trong công tác PCCC là yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong tình hình hiện nay, ngay từ đầu năm 2022, Công an huyện Thanh Trì đã tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát địa bàn để triển khai mô hình khu dân cư an toàn về PCCC&CNCH.
Ghi nhận tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, với mục đích nâng cao ý thức người dân trong các khu dân cư, đồng thời đẩy mạnh việc liên kết cùng thực hiện tốt công tác PCCC ngay từ cơ sở, từ đầu năm đến nay, xã Tam Hiệp đã đẩy mạnh mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC&CNCH”.
Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền công tác phòng, chống cháy nổ. |
Theo đó, lực lượng Công an xã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các chủ trương, biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện mô hình...
Ông Ngô Ngọc Toàn, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã Tam Hiệp cho biết, mô hình khu dân cư an toàn PCCC&CNCH triển khai trên địa bàn xã Tam Hiệp, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn PCCC; hướng dẫn các kỹ năng phòng chống cháy, nổ; kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong công tác PCCC&CNCH từ cơ sở.
Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì, nhấn mạnh, lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, thực hiện Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành… hằng tháng, Công an huyện đều tổ chức tập huấn công tác phòng, chống cháy, nổ đối với lực lượng chữa cháy cơ sở.
Còn tại huyện Ba Vì, thực hiện kế hoạch của Công an thành phố Hà Nội về việc điều tra, khảo sát, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công an huyện Ba Vì đã chủ động triển khai tăng cường công tác khảo sát thực tế đánh giá đúng thực trạng giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC&CNCH hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì.
Theo đó, lực lượng chức năng Công an huyện đã tổ chức thống kê chi tiết nguồn nước phục vụ chữa cháy, CNCH (trụ nước, ao, hồ, bể nước, sông, suối có trữ lượng nước lớn…) mà xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy có thể lấy được nước và không lấy được nước; giao thông các tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm… có chiều dài hơn 200m, các trụ, cột barie hạn chế chiều cao và các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao mà xe chữa cháy không tiếp cận được.
Hà Nội: Tăng cường phòng ngừa cháy, nổ ở các huyện ngoại thành |
Chỉ huy Công an huyện Ba Vì cho biết, việc thống kê chi tiết giao thông, nguồn nước góp phần quan trọng trong việc chủ động điều động lực lượng, phương tiện đến đám cháy trong thời gian ngắn nhất và khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ chữa cháy hiệu quả nhất (cập nhật vào phần mềm My GPS Coordinates).
Ngoài ra, nó còn giúp cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, nhất là các đồng chí mới nhận công tác tại Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và các đồng chí lái xe chữa cháy nắm được các tuyến đường, vị trí nguồn nước hiện có trên địa bàn huyện Ba Vì.
Bên cạnh công tác khảo sát giao thông nguồn nước trên địa bàn, Công an huyện Ba Vì đã tham mưu cho UBND huyện Ba Vì yêu cầu các đơn vị liên quan tháo dỡ 8 trụ bê tông gây cản trở cho công tác PCCC&CNCH trên dọc tuyến đê Sông Hồng và đề nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì tháo rỡ các bục bệ, barie hạn chế chiều cao gây cản trở cho xe chữa cháy.
Với việc công tác khảo sát giao thông, nguồn nước, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Ba Vì quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có các sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn trong thời gian ngắn nhất, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và phương tiện khi tham gia chữa cháy và CNCH...