Sửa quy định về quản lý kinh phí bảo vệ môi trường
Giải đáp các vướng mắc về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Cần có lộ trình xử phạt người không phân loại rác |
Sửa quy định về quản lý kinh phí bảo vệ môi trường |
Bộ Tài chính cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; như vậy các căn cứ làm cơ sở ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đã được thay thế bằng các văn bản pháp quy mới ban hành.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí, bảo vệ môi trường đất. Các nội dung, quy định tại các văn bản nêu trên có nội dung thay đổi so với nội dung quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC.
Do đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về "Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương" như sau:
Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải, bao gồm: điều tra, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường quy mô liên tỉnh, liên vùng; lập danh mục chất thải; xây dựng tiêu chí về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải thuộc trách nhiệm của trung ương.
Xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường, bao gồm: Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác thuộc trách nhiệm xử lý của trung ương; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ liên tỉnh; (bao gồm điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường; lập kế hoạch, đề án, dự án xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường; không bao gồm dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công).
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị thay thế; duy trì, vận hành trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của trung ương; hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường theo quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực (bao gồm cả vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, hiệu chuẩn, kiểm định).
Kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc trách nhiệm của trung ương và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo Khánh Linh/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/sua-quy-dinh-ve-quan-ly-kinh-phi-bao-ve-moi-truong-102220914142209744.htm