Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng: Gỡ vướng cho giao thông Thủ đô
Tăng cường phối hợp điều tiết giao thông Thủ đô Đường sắt đô thị là giải pháp căn cơ khắc phục ùn tắc giao thông |
Lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị làm điểm tập trung dân cư
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Theo Luật, khu vực TOD là khu vực bao gồm nhà ga, đề - pô đường sắt đô thị, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và vùng phụ cận được xác định theo quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có liên quan để xây dựng tuyến giao thông, đường sắt đô thị kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển đô thị.
Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các phương thức vận tải hành khách công cộng khác, phát triển đô thị trong khu vực TOD.
Tàu điện trên cao trở thành phương tiện đi lại thuận tiện cho nhiều người dân xung quanh khu vực. |
Trong khu vực TOD, Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.
Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập...
Đồng thời, trong khu vực TOD, Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng: Tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD; tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; phí cải thiện hạ tầng.
Phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển giao thông công cộng
Khi thảo luận về dự án Luật, đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cho rằng đây là vấn đề mới và sẽ tạo ra đột phá để phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.
Ảnh minh họa: Giao thông thuận tiện sẽ góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô. |
Để có được nguồn vốn đầu tư cho đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật sẽ kết nối với hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng, cần thu thêm một số khoản như tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm đối với các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD, tăng tiền thu về việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD và phí cải thiện hạ tầng. Những nội dung này, ông Nghĩa cho biết, đã được các quốc gia khác trên thế giới áp dụng.
Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cơ chế TOD mang lại những lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và cho sự phát triển chung của Thủ đô. TOD không chỉ là cơ chế thúc đẩy nguồn lực nội sinh cho phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là cơ chế vượt trội trong việc hài hoà lợi ích của các bên khi khai thác giá trị tăng thêm từ đất.
Với những lợi thế về giá trị thương mại rất lớn từ đất đai và khả năng gia tăng giá trị từ đất đai khi các công trình giao thông được quy hoạch và hoàn thành, TOD là một cơ chế rất tiềm năng và có tính khả thi để tạo nguồn lực để Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị.
Việc hoàn thành đúng tiến độ các dự án đường sắt đô thị không chỉ mang lại lợi ích lập tức về giao thông, đi lại mà còn giảm bức xúc của người dân do các dự án giao thông đô thị kéo dài. Từ đó, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp như đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phương Thảo