Cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn
Xây dựng văn hóa giao thông qua ảnh Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng: Gỡ vướng cho giao thông Thủ đô |
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cũng như góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và lâu dài, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó đáng chú ý là 6 nhóm giải pháp chính, cơ bản đang được nỗ lực thực hiện.
Giai đoạn vừa qua, thành phố Hà Nội đã ưu tiên, dành phần lớn ngân sách cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính quyết định để các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã được quy hoạch từng bước được hiện thực hóa, trở thành những công trình hiện hữu, phục vụ thiết thực đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng, cần tập trung, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch lớn của Thành phố: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; chuẩn bị tốt công tác thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển giao thông công cộng là giải pháp giảm ùn tắc cho giao thông Thủ đô. Ảnh: Phương Ngân |
Đồng thời, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông...
Cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn
Tham luận tại hội thảo về triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, không thể và không bao giờ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông nếu như không phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn (MRT/Metro) theo một quy hoạch được tính toán, hoạch định một cách bài bản.
Theo ông Đặng Huy Đông, ngay khi bắt đầu quy hoạch, Thành phố phải lựa chọn giữa 3 mô hình giao thông đô thị: Giao thông cơ giới cá nhân; giao thông hỗn hợp giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; giao thông công cộng, hạn chế tối đa giao thông cá nhân. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong nước và trên thế giới cho thấy, đô thị từ hơn 2 triệu người trở lên không có hệ thống giao thông công cộng Metro sẽ không tránh khỏi ùn tắc giao thông.
Mô hình ưu tiên phát triển giao thông công cộng vừa giảm ùn tắc giao thông, vừa giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chí phí xã hội và đặc biệt góp phần tích cực trong chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đi đôi với bảo tồn, duy tu phát huy các khu vực kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Mô hình này còn giúp tạo nguồn thu cho ngân sách từ chênh lệch địa tô từ khu vực quy hoạch đô thị nén TOD, tạo nguồn vốn đầu tư chính để xây dựng hệ thống giao thông công cộng Metro. Cho nên đây phải là lựa chọn ưu tiên, là kim chỉ nam cho quy hoạch Thủ đô...
PGS,TS. Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội) cũng nhìn nhận, phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với cơ chế hợp tác công - tư (PPP) hiệu quả và quản lý chuỗi cung ứng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng đô thị cần được gắn kết với nhau khi hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô.
Mô hình TOD là hướng đi mới được nhiều quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore) lựa chọn để thiết kế quy hoạch đô thị. Vì vậy, cần vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế, cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị nhằm giải bài toán về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng cuộc sống,... ở các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.