Đường sắt đô thị là giải pháp căn cơ khắc phục ùn tắc giao thông
Chủ tịch Thượng viện Pháp thăm đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội Metro Nhổn - Ga Hà Nội: Sẵn sàng chờ giờ “G” để chạy tàu Hà Nội chính thức ban hành quy định về vận hành đường sắt đô thị |
Tại hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các loại phương tiện giao thông cá nhân", Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 417,8km.
Tuy nhiên, thực tế Hà Nội mới đưa tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư vận hành tháng 11/2021, được người dân ủng hộ vì sự thuận tiện, hiện đại. Sắp tới, quý 2/2024 sẽ đưa đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội 8,5km chuẩn bị khai thác thương mại, dự án đang trong khâu cuối cùng để nghiệm thu.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện “bức tranh” giao thông Thủ đô ngày một thông thoáng, văn minh. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Đáng chú ý, Hà Nội cũng đang chuẩn bị dự án tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến 2.1), phấn đấu năm nay thông qua điều chỉnh chủ trương dự án và thi công năm sau. Hà Nội cũng đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn tuyến 3.2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc.
Các tuyến đang xem xét, rà soát chuẩn bị đầu tư gồm: Đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (tuyến 2.2) tổng chiều dài khoảng 6km; đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài (tuyến 2.3) chiều dài dự kiến khoảng 19,65km, bao gồm 12 ga (3 ga ngầm và 9 ga trên cao), 1 depot; tuyến số 8, Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá có tổng chiều dài dự kiến 37km bao gồm 26 ga và 2 depot.
Như vậy, để hoàn thành quy hoạch đề ra, khối lượng công việc Hà Nội cần triển khai là rất lớn. Dù có nhiều khó khăn trong công tác triển khai, đầu tư xây dựng, song hiệu quả của đường sắt đô thị là không thể phủ nhận. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là ví dụ. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đưa vào sử dụng đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 - 8.000 khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%.
Từ đây, cũng cho thấy vai trò của đường sắt đô thị ngày một được khẳng định. Do vậy, để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần Hà Nội có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ rõ nét, đầy đủ hơn nữa. Đặc biệt, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân, tạo thành hoạt động vận tải toàn diện.
Rõ ràng, kinh nghiệm cho thấy vai trò của đường sắt đô thị trong giảm thiểu phương tiện giao thông công cộng là không thể phủ nhận. Để đạt được mục tiêu loại bỏ xe máy và giảm phương tiện giao thông cá nhân khác trong nội đô thì các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính hay những quy định áp đặt.