Phát huy tối đa tiềm năng của nền kinh tế số và sáng tạo
Tại diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi chuyển đổi sang nền kinh tế số và chuyển đổi số sâu rộng.
“Các doanh nghiệp hội viên của AmCham đã chủ động phối hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, cả với các đối tác Việt Nam và thông qua các dự án của chính họ. Để Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của tương lai kỹ thuật số, chúng tôi kêu gọi Chính phủ áp dụng cách tiếp cận toàn diện để xây dựng khuôn khổ pháp lý về kỹ thuật số”, đại diện AmCham nhấn mạnh.
Theo AmCham, lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới và đảm bảo người dùng Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ hàng đầu trong ngành và cơ chế bảo mật dữ liệu theo tiêu chuẩn toàn cầu được cung cấp bởi cả các công ty quốc tế và trong nước là những yếu tố quan trọng để đảm bảo chuyển đổi số thành công.
“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo ra một cơ chế bảo mật dữ liệu toàn diện có thể bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và tạo sự ổn định, chắc chắn, dễ dự đoán cho các doanh nghiệp”, đại diện AmCham nói.
Đồng thời cho rằng, khả năng truyền dữ liệu và truy cập thông tin xuyên biên giới là điều cần thiết cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, lĩnh vực và khu vực địa lý.
Khả năng truyền dữ liệu và truy cập thông tin xuyên biên giới là điều cần thiết cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, lĩnh vực và khu vực địa lý. (Ảnh minh họa) |
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, vận tải, sản xuất, khách sạn, bán lẻ, công nghệ thông tin, logistic và dịch vụ tài chính… dựa vào công nghệ truyền dữ liệu để thường xuyên truy cập các dịch vụ cung cấp trên toàn cầu và tiến hành giao dịch, vận hành trên các thị trường cũng như thực hiện nghiên cứu và phát triển. Tính chất thiết yếu của việc lưu chuyển dữ liệu được công nhận trong các nghĩa vụ thương mại quốc tế của Việt Nam và trong các thông lệ tốt nhất toàn cầu về bảo mật dữ liệu.
Sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam đòi hỏi phát triển hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số chẳng hạn như dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Khoảng cách hiện tại giữa tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế về dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu đang cản trở các công ty Hoa Kỳ đầu tư và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực này. Việt Nam cần hài hòa các tiêu chuẩn trong nước với tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho đầu tư quốc tế vào dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó, quy trình nhập khẩu thiết bị và thiết bị kỹ thuật số lại rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Ví dụ, quy trình chứng nhận chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải nộp nhiều tài liệu kỹ thuật ở dạng bản cứng, điều này làm mất nhiều thời gian - không chỉ đối với doanh nghiệp chuẩn bị mà còn với các cơ quan xét duyệt. Quy trình rườm rà này thậm chí còn bắt buộc đối với các sản phẩm đã được chứng nhận trước đây hoặc được công nhận và lưu hành ở các thị trường khác có trình độ phát triển công nghệ tiên tiến. Đại diện AmCham tại diễn đàn doanh nghiệp thường niên khuyến nghị đơn giản hóa các quy trình nhập khẩu này và cho phép chấp nhận các chứng chỉ chất lượng do một số quốc gia cấp.
Cùng với đó, các công nghệ băng thông rộng trên vệ tinh quỹ đạo tầm thấp có nhiều tiềm năng để phục vụ các cộng đồng và ngành công nghiệp ở Việt Nam, nhất là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Công nghệ này cũng sẽ hữu ích trong trường hợp các tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới thường xuyên bị gián đoạn. Khả năng cung cấp dịch vụ này của các công ty nước ngoài tại Việt Nam bị cản trở bởi các hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và hoạt động dịch vụ viễn thông tại đây. Những hạn chế này ngăn cản việc khai thác lợi ích kinh tế của các công nghệ vệ tinh thế hệ tiếp theo. AmCham khuyến nghị mở rộng quyền truy cập cho các công nghệ và dịch vụ băng rộng vệ tinh có vốn đầu tư nước ngoài trong dự thảo Luật Viễn thông.
Việt Nam có cơ hội lớn để hiện đại hóa các quy định về kinh tế số, mặc dù đã có một số thay đổi tích cực, nhưng các hội viên của AmCham vẫn còn những lo ngại đáng kể về việc liệu các quy định được đưa ra hiện nay có nhất quán với mục tiêu của Chính phủ là phát triển nền kinh tế số năng động và cạnh tranh hay không. AmCham đã tham gia góp ý về một số dự thảo Luật, Nghị định quan trọng đối với nền kinh tế số và sáng tạo. Các dự thảo bao gồm Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Giao dịch điện tử, Dịch vụ Phát thanh và Truyền hình, Dịch vụ Internet và Thông tin trực tuyến, các quy định về phim ảnh/video.
"Chúng tôi cùng chung mục tiêu với chính phủ là phát triển nền kinh tế số năng động và cạnh tranh tại Việt Nam, đồng thời cũng đánh giá cao cơ hội được hợp tác trong nỗ lực đó. AmCham hy vọng rằng trong quá trình tiếp tục xây dựng các quy định liên quan, Chính phủ sẽ tích cực tham vấn cộng đồng doanh nghiệp số quốc tế - bao gồm cả việc chia sẻ các dự thảo để lấy ý kiến. AmCham cũng hy vọng Chính phủ sẽ đảm bảo rằng các quy định đưa ra khả thi đối với doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu", đại diện này nhấn mạnh.
Bảo Thoa