Khai thác tiềm năng lợi thế của sông Hồng
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Đây là bước khởi đầu nhằm hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên bờ sông”.
Sông Hồng được coi là trục xanh, trục cảnh quan chính của đô thị (ảnh minh họa: Cao Tiến) |
Tại Diễn đàn "Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông Hà Nội", Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, theo bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259 (gọi là QHC1259) đã đưa ra một tầm nhìn rất quan trọng cho Hà Nội. Đó là phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và chiến lược “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh”.
Với diện tích trên 3.300km2 nhưng quy hoạch chỉ dành 30% là đất xây dựng đô thị, còn lại 70% là mạng lưới cây xanh, hành lang xanh, toàn bộ hành lang đó chạy quanh sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Với cấu trúc này Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất, cân bằng mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên hiện có và phát triển đô thị.
Cũng theo Tiến sĩ Trương Văn Quảng, Quyết định 1259/QĐ-TTg gắn với Nghị quyết 15 về việc đưa sông Hồng trở thành trục chính của quy hoạch không gian đô thị Hà Nội, là bởi sinh hoạt của người dân gắn với toàn bộ việc hình thành nên văn hóa sông Hồng trải dài ra các khu vực, gắn kết các tỉnh thành hai bên bờ. Hình ảnh sông Hồng trong cấu trúc đô thị đã được nhiều lần đưa vào quy hoạch, nhưng lần này sẽ hiện thực hóa bằng việc thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh và phát triển tiếp mô hình thành phố trong thành phố.
“Có thể nói, sông Hồng được coi là trục xanh, trục cảnh quan chính của đô thị, nhưng có rất nhiều lý do mà đến nay chúng ta chưa khai thác được cảnh quan đó. Mặc dù trong ý tưởng không gian đô thị đã nhiều lần đề cập nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của sông Hồng. Sông Hồng có thể khác về thuỷ văn so với một số con sông khác trên thế giới như sông của Hàn Quốc, Trung Quốc, Áo, Hungary... Tuy nhiên, thông thường các con sông luôn tạo ra dấu ấn trong quá trình phát triển gắn với lịch sử văn hóa, vì thế toàn bộ hành lang sông sẽ gắn với cảnh quan, môi trường, văn hóa lịch sử và sẽ nằm trong cấu trúc đô thị để đưa sông Hồng đạt được chức năng rất quan trọng trong cấu trúc đô thị”, ông Quảng phân tích.
Vị chuyên gia nhận xét thêm, Hà Nội trước đây có xu hướng phát triển nghiêng về phía Tây, bởi toàn bộ kết nối sang phía Bắc, xuôi về phía Nam, vượt qua sông Hồng chưa thể cải thiện được cơ sở hạ tầng, cùng với nhiều lý do khác. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng.
Theo ông Trương Văn Quảng, chắc chắn những mô hình phát triển đô thị trong tương lai của Hà Nội sẽ tạo ra một trung tâm mới, hiện đại, khang trang, tạo ra những không gian cảnh quan, những công trình dịch vụ tiện ích của đô thị, giúp sông Hồng xứng tầm với quy hoạch, xứng tầm với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến trên vai trò là Thủ đô sáng tạo.
Bảo Thoa