"Ô nhiễm trắng" tại làng nghề Triều Khúc
Nhựa - là một trong những nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Không khó để bắt gặp những món đồ được sản xuất từ nhựa như chai, lọ nhựa, bát nhựa,.. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết.
Trên thực tế hiện nay, tại nhiều cửa hàng, quán ăn, chợ “cóc” đều sử dụng đồ nhựa để gói, phục vụ khách hàng. Với sự tiện lợi, nhanh gọn đặc biệt là giá thành hợp lý, mà các sản phẩm làm từ nhựa luôn là sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì các sản phẩm từ nhựa cũng đem lại những tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khoẻ của con người.
Đến với làng Triều Khúc (Tân Triều –Thanh Trì – Hà Nội), vào một buổi chiều oi bức, chúng tôi giật mình trước những hình ảnh rác thải nhựa được chất thành đống ngay cạnh khu nghĩa trang trong làng. Một bên là rác thải nhựa được chất thành đống, một bên là tình trạng lông gà, lông vịt bị ruồi nhặng bâu kín. Đặc biệt dưới cái nắng 39 - 40 độ C, mùi hôi thối bốc lên khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn, tình trạng đau đầu xuất hiện khi đứng quá 10 phút.
Một điểm tập kết rác thải nhựa lớn ở làng Triều Khúc (Thanh Xuân) |
Tại đường 25m khu đường mới Tân Triều mới vỉa hè biến thành nơi phơi hạt nhựa, tập kết phế liệu gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo chân một người thu mua phế liệu vào một con ngõ nhỏ, chúng tôi phát hiện cả một khu tập trung thu gom và xử lý tái chế nhựa. Đặc điểm chung của những khu xưởng này đều được rào chắn bằng tôn kín đáo. Bên trong các khu xưởng, chất đống toàn là các thùng nhựa, chai lọ nhựa, sọt nhựa,...
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, các công đoạn xử lý phế thải nhựa rất sơ sài. Thậm chí những người trực tiếp xử lý những phế liệu đó còn không đeo khẩu trang, hay mặc bất cứ đồ bảo hộ nào. Điều đáng nói, trong quá trình hoạt động, nước thải sản xuất không qua xử lý, mà chảy thẳng ra các đoạn cống sinh hoạt, mương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân làng nghề.
Công việc tái chế nhựa gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của người dân. |
Điểm chung của các điểm tập kết rác của làng Triều Khúc là đều được sắp xếp ở gần khu thu gom, tái chế rác thải nhựa. Nhiều hộ còn tận dụng luôn đất ở của mình làm xưởng như tái chế gỗ, tái chế rác thải nhựa,.. Hầu hết đều là tự phát và không có ai kiểm soát nên họ vẫn ngang nhiên tái chế bất tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề. Các nhà xưởng tái chế nhựa không có hệ thống hút mùi và thông gió nên khí độc khó thoát ra gây ra ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
Bà Cúc (55 tuổi, người dân sinh sống lâu năm ở làng Triều Khúc) chia sẻ: "Ngay cạnh nhà tôi có cái xưởng, lắm hôm trời mưa, mùi không thoát được rất khó thở. Có hôm tôi sang nhắc người ta làm cho cái ống để khí nó bay lên chứ để hiện tại mùi bay vào nhà không chịu được."
Hầu hết các xưởng tái chế nhựa vận hành cả ngày lẫn đêm, những tiếng ồn từ việc sản xuất tái chế nhựa đã gây không ít những bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rác thải bừa bãi và quá trình nấu chảy nhựa không khí bị ô nhiễm khiến người dân làng Triều Khúc lúc nào cũng có cảm giác ngột ngạt, khó thở.
Anh Nguyễn Hữu Thức (47 tuổi, Quê Thái Bình), đang sinh sống tại đường mới Tân Triều cho biết: "Ở làng này, mấy năm gần đây toàn người chết trẻ chết vì bệnh ung thư. Nguồn nước giếng khoan giờ không ai dùng được nữa, giờ người ta chỉ dùng để tưới rửa nhựa, bởi nước ở đây trắng xoá như sữa, lọc qua rất nhiều lần nhưng vẫn còn mùi tanh, không hết được."
Một đoạn mương thoát nước gần khu vực tái chế nhựa vẫn rác thải vứt tràn lan. |
Tái chế rác thải nhựa là việc làm vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Những ảnh hưởng của rác thải nhựa đến sức khoẻ con người đã quá rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp khắc phục tình trạng hiện tại.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Mới đây, thành phô Hà Nội vừa ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, đối với các 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung của làng nghề nhằm phục vụ di dời các cơ sở sản xuất đối với các làng nghề thực hiện theo phương án di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.
Vì vậy để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tối đa nguồn lực từ làng nghề, các địa phương cần phải chủ động quy hoạch khu, cụm, điểm công nghiệp gắn với các làng nghề. Có như vậy Việt Nam mới giảm thiểu được chất thải ra môi trường, lại tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, giúp phát triển nền kinh tế trong tương lai.