Nhiều thông tư kém chất lượng, trái với Nghị định làm khó doanh nghiệp
Cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp không bị động trong công tác ứng phó với phòng vệ thương mại Thêm giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn nạn cuộc gọi rác |
Còn nhiều thông tư làm khó doanh nghiệp |
VCCI cho biết, hiện nay, các cơ quan chính sách tập trung nhiều vào các văn bản cấp luật, nghị định. Trong khi đó, với đặc thù của hệ thống pháp luật nước ta, để một quy định có thể thực thi trên thực tế, phụ thuộc lớn vào các quy định tại thông tư, thậm chí là công văn.
Vì vậy, có hiện tượng, mặc dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy trên thực tế.
Thông tư, công văn là cầu nối, chuyển tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống. Với tính chất này, chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động khá lớn đến hoạt động động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là tính thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Tuy nhiên thực tế khảo sát của VCCI cho thấy, còn nhiều thông tư “kém chất lượng”, buộc phải tạm ngưng hiệu lực sau thời gian ngắn thi hành. Chẳng hạn như Thông tư 15/2019/TT- BKHCN về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ” bị ngưng hiệu lực thi hành khi mới phát sinh hiệu lực khoảng 8 tháng.
Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, dù không cần thiết phải ban hành thông tư nhưng văn bản này vẫn ra đời. Đơn cử như Thông tư 38/2014/TT-BTC, Thông tư 60/2021/TT-BTC quy định chi tiết về tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thẩm định giá trong khi Nghị định 89/2012/NĐ-CP, Nghị định 12/2021/NĐ-CP dù Luật giá không ủy quyền.
Một số lĩnh vực lại quá lệ thuộc vào Thông tư như lĩnh vực thuế, dường như doanh nghiệp chỉ biết đến thông tư để áp dụng. Hiện, lĩnh vực này có hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng 2010, 2017 trong lĩnh vực thuế.
Đối với chất lượng công văn, VCCI chỉ ra, còn chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước khi vận dụng quy định trong văn bản quy phạm pháp luật vào từng trường hợp cụ thể. Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước lại có cách diễn giải khác nhau, tạo ra sự lúng túng trong thực hiện và gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Ví dụ, cùng là một loại hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan xác định là “hàng hóa mỹ phẩm”, trong khi cơ quan quản lý về dược lại xác định là “trang thiết bị y tế”.
Chưa kể, một số nội dung công văn của cơ quan quản lý Nhà nước không đủ độ tin cậy, khiến doanh nghiệp gặp khó khi không biết nên thực hiện theo hướng nào. Ví dụ, doanh nghiệp gửi công văn hỏi xin ý kiến của cơ quan quản lý về việc mình có được phép hoạt động này không.
Nhận được công văn xác định là doanh nghiệp được phép thực hiện mà không phải xin giấy phép. Khi doanh nghiệp thực hiện thì lại bị thanh tra của địa phương xử phạt về việc hoạt động không có giấy phép.
Đáng chú ý, có công văn nội dung đủ rõ ràng nhưng lại chưa chính xác với tinh thần của quy định, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động. Ví dụ: Công văn số 4065/TCHQ-TXNK ngày 17/08/2021 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn chưa chính xác về quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP…
Đồng tình với nhận định cho rằng chất lượng thông tư, công văn còn thấp, ông Nguyễn Hồng Uy- Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay, còn có tình trạng thông tư "đá" nghị định hoặc thông tư còn bất cập, như dự thảo Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng. Nếu Thông tư này được ban hành, doanh nghiệp sẽ phải tốn hàng trăm tỷ đồng để đi kiểm nghiệm, thay nhãn và có thể đình trệ sản xuất.
Ông Đinh Nho Bảng- Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cũng cho rằng, quy định trong các văn bản hiện hành về điều kiện kinh doanh vàng còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo VCCI, thông tư và công văn hiện chiếm tới 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành. Theo quy định, thông tư không được quy định về điều kiện kinh doanh và không được làm phát sinh thêm thủ tục hành chính nếu không được ủy quyền.
Thông tư kém chất lượng sẽ tạo nên rủi ro cho môi trường kinh doanh, khi quy định tác động đến doanh nghiệp lại không được kiểm soát chặt chẽ.
Do đó, VCCI cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật;
Đồng thời, cần có cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp; công khai các công văn trả lời doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan này.
Đây sẽ là nguồn rất tốt để doanh nghiệp nhận biết các thông tin về áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự và cũng là cách thức giám sát hoạt động trả lời, giải quyết vướng mắc của cơ quan Nhà nước.
Theo Hà Linh/anninhthudo.vn