Năm 2023, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 21 dự án luật
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Đại biểu Quốc hội đề nghị khẩn trương xử lý các vi phạm về bảo hiểm xã hội |
Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2022, các bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ 18 dự án luật, dự thảo nghị quyết đã có trong Chương trình và 4 dự án chưa có trong Chương trình, bảo đảm chất lượng và theo đúng tiến độ được giao.
Nhìn chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức một số phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; quy trình cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án, dự thảo khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết của Chính phủ.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả; chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng Chương trình, bảo đảm chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước.
Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được các cơ quan chuẩn bị chủ động hơn, chất lượng hơn, bám sát yêu cầu tại Kết luận của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ lập pháp được Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 đề ra. Một số bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động trong việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023...
Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ phải phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình và quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai (tháng 1/2023) thì tổng số là 15 dự án.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ và để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2023 và năm 2024, dự kiến Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 6 dự án.
Cụ thể, bổ sung vào Chương trình 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (gồm Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); 4 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (gồm: Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phát triển công nghiệp).
Như vậy, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2023 sẽ là 21 dự án, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 50/2022/QH15.
Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp 1 dự án và trình Quốc hội cho ý kiến 8 dự án. Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trình Quốc hội thông qua 8 dự án đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án.