Vấn nạn bạo lực học đường, làm sao để hạn chế?
Công an huyện Thạch Thất tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội Đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường và giáo dục kỹ năng cơ bản cho học sinh |
Nữ sinh lớp lớp 6 học tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội bị đánh hội đồng tại lớp học. Ảnh cắt từ clip |
Bạo lực học đường không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một mối quan ngại sâu sắc về an ninh và sức khỏe tâm thần cho học sinh trên toàn thế giới. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến các bạn học khác, giáo viên và cả cộng đồng. Bạo lực có thể bao gồm đánh nhau, bắt nạt tinh thần, cả trong lẫn ngoài không gian mạng và phân biệt đối xử.
Theo báo cáo từ UNESCO, khoảng 246 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trải qua hành vi bạo lực tại trường học mỗi năm. Các vụ việc bạo lực có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tự tử, trầm cảm, và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Gia tăng các vụ bạo lực học đường
Thời gian gần đây, từ khóa “bạo lực học đường” trở nên nóng khi mà nhiều vụ học sinh đánh nhau liên tục xảy ra tại các trường học ở Hà Nội cũng như các địa phương khác. Gần nhất là vào ngày 10/11 vừa qua, một nữ sinh lớp 6 học tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội bị đánh hội đồng tại lớp học. Sự việc này chỉ được phát hiện khi đoạn clip quay lại vụ việc được tung lên mạng xã hội.
Trong video, người xem vô cùng phẫn nộ khi mà nạn nhân nằm sõng soài tại hành lang lớp học, liên tiếp bị ba nữ sinh đánh, đá vào đầu và mặt. Một em còn dùng chổi quét lên đầu nạn nhân, sau đó trèo lên người và đá túi bụi vào mặt em này.
Hay em V.V.T.K, học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng nhiều lần bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng, phải nhập viện vì sang chấn tâm lý. Theo ông Kiều Đăng Cường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch Thất, nhà trường báo cáo vào tuần trước cháu K đã đến lớp học, tuy nhiên cháu bị hoảng loạn, sức khỏe chưa ổn nên tiếp tục phải nghỉ học.
Trước đó, một đoạn clip ghi lại cảnh bảy nữ sinh đánh nhau, quay video trong nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Hồ Chí Minh cũng được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ.
Theo thống kê từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. Những con số không biết nói dối, dù có những hình thức kỷ luật được đưa ra nhưng vẫn không kéo giảm được tình trạng bạo lực học đường.
Nam sinh lớp 7 hoảng loạn sau khi bị đánh. Ảnh cắt từ clip |
Ngành Giáo dục cần có các hình thức kỷ luật nặng hơn
Như đã nói, những vụ bạo lực học đường thường kéo dài, diễn ra thường xuyên là vì hình thức kỷ luật chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của ngành Giáo dục thì hiện có ba hình thức kỷ luật đó là: Nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.
Ai cũng nghĩ trẻ con chưa nhận thức đầy đủ đúng sai, nên giơ cao đánh khẽ. Tuy nhiên với các học sinh có xu hướng bạo lực học đường, cần có các biện pháp mạnh, đủ sức răn đe. Thứ nhất, cần tách các em này ra khỏi môi trường giáo dục bình thường khi mức độ bạo lực đạt ngưỡng nào đó (có quy định rõ ràng). Thứ hai, đưa các học sinh này qua môi trường giáo dục đặc biệt song song và tập trung vào giáo dục đạo đức, hành vi, tâm lý hơn là khía cạnh kiến thức. Thứ ba, sau thời gian đánh giá và khảo sát (cần đặt chỉ tiêu thời hạn), có thể xem xét đưa các bạn trở lại với môi trường giáo dục bình thường để tái hòa nhập. Thứ tư, khuyến khích các bạn đã được cải tạo chia sẻ trải nghiệm và cảm nghĩ với các bạn xung quanh, qua đó nhằm triệt tiêu mầm mống bạo lực học đường.
Nên chăng, các nhà quản lý giáo dục cần nhìn vào thực tế và có các biện pháp quyết liệt để giải quyết tận gốc nạn bạo lực học đường.
Cùng đó, để những đáng tiếc không xảy ra, gia đình, nhà trường cần phối hợp làm tốt nhiệm vụ như: Tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống; tạo môi trường học tập an toàn; phát triển chương trình hỗ trợ tâm lý cho học sinh; chú trọng đào tạo giáo viên; khuyến khích sự tham gia của học sinh vào các hoạt động ngoại khóa...