Gỡ “rào cản” trong đào tạo nghề cho lao động phi chính thức
Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa Tháo gỡ vướng mắc đấu giá trực tuyến |
Được miễn phí vẫn không muốn học nghề
Thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Ánh (44 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định bán hàng ăn nhanh online để có thu nhập. Dù nấu ăn ngon, nguồn nguyên liệu lựa chọn kỹ nhưng gian hàng online của chị Ánh rất ít người biết đến và đặt hàng.
“Đa phần người đặt hàng đều là người quen hoặc được giới thiệu. Nếu chỉ bán hàng dựa vào nguồn khách hàng này sẽ không đủ sống. Vì thế khi biết mình thuộc đối tượng được đào tạo nghề miễn phí tôi đã đăng ký khóa học Kỹ thuật nấu ăn. Tại khóa học này, tôi không chỉ được học thêm về cách chế biến đồ ăn chuyên nghiệp mà còn được đào tạo cách tiếp thị, bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ những kỹ năng học được từ khóa đào tạo này, tôi đã xây dựng kênh bán hàng online qua Grabfood, Shopee, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tôi thấy các lớp đào tạo nghề như vậy có ý nghĩa lớn đối với lao động phi chính thức trong hành trình trở lại thị trường lao động”, chị Ánh chia sẻ.
Người lao động học nghề pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. |
Câu chuyện của chị Ánh cho thấy, đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực, đem tới cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động đang bấp bênh về việc làm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những trường hợp tận dụng được cơ hội này như chị Ánh lại không nhiều. Trên thực tế, rất ít lao động phi chính thức dành thời gian tham gia học nghề.
Tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây tại Hà Nội, Tiến sĩ Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động. Theo ông Hóa, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng “cha truyền con nối”, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người lao động tham gia học nghề.
Còn bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thì cho biết, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 690.256 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có 27.457 người đăng ký học nghề (chiếm 3,9%). Nguyên nhân là do nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề dù được miễn phí.
Thu hút lao động phi chính thức học nghề
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay, Việt Nam có trên 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%. Hạn chế về chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc, cho dù công việc đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu.
Cũng theo Bộ LĐTBXH, lao động phi chính thức là một phần không thể thiếu góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động tại Việt Nam, song để có một nền kinh tế phát triển và bền vững cần giảm thiểu được việc làm phi chính thức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp thu hút, hỗ trợ lao động phi chính thức, lao động thất nghiệp tham gia học nghề.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, cho biết, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho người lao động. Cùng với đó, để giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. “Giáo viên soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn. Trung tâm cũng tăng cường kết nối học viên với các đơn vị tuyển dụng, giúp lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm”, bà Liễu nói.
Trao đổi với báo chí, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Hà Nội Lê Minh Thảo cho hay, hiện nay, Sở đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành phố trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhằm có thêm chính sách hỗ trợ ưu tiên đến các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, lao động nông thôn...
Với những giải pháp tích cực của cơ quan chức năng, hy vọng thời gian tới, công tác đào tạo nghề sẽ thu hút được nhiều lao đông phi chính thức, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và phát triển kinh tế ở từng địa phương.
Theo Phạm Diệp/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/go-rao-can-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-phi-chinh-thuc-174749.html