Gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công
Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Chậm giải ngân của các dự án đầu tư công làm giảm đà tăng tốc phục hồi kinh tế |
Những hạn chế bất cập hiện hữu
Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%).
Giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kỳ vọng. Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê, có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (58,33%), trong đó có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao.
Câu chuyện về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, dòng vốn này được xem là động lực lớn để phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19.
Từ tháng 6 đến tháng 8/2022, việc giải ngân đầu tư công vẫn hạn chế, nhưng đến tháng 9 tốc độ đã đạt hơn 36%, đến tháng 10 đạt hơn 46,44%, và đến tháng 11 đạt 58,33%. Điều đó cho thấy trong 3 tháng cuối năm, tỷ lệ này đã tăng lên rất nhiều. Các chuyên gia nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dù được cải thiện đáng kể ở những tháng cuối năm, nhưng vẫn còn chậm so với kỳ vọng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, năm 2022 có một khối lượng vốn tương đối lớn từ gói hỗ trợ của Chương trình hồi phục phát triển kinh tế mà Chính phủ phê duyệt vào đầu năm, nên việc phân giao cũng gặp khó khăn khi phải đưa ra tiêu chí xác định các dự án, cách thức phân phối.
Ngoài ra, khi bùng phát chiến tranh Nga - Ukraine, giá nguyên nhiên vật liệu tăng liên tục trong 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 7), khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng tổng thể khoảng 40%. “Giá tăng mạnh như vậy nhưng chính quyền địa phương, những người được phân giao xem xét tính toán định mức lại không thay đổi kịp thời, vì vậy chủ đầu tư không dám thay đổi dự án, khiến các đơn vị thi công xây dựng cũng không dám thi công” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
“Với các bộ, ngành và địa phương, cần đặc biệt lưu ý tới năng lực thi công và khả năng tài chính của nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công”- TS Vũ Đình Ánh khuyến nghị các cơ quan quản lý học hỏi kinh nghiệm triển khai các dự án của khu vực ngoài nhà nước.
“Theo quy định, các dự án đầu tư vẫn dành một khoản tiền để dự phòng cho sự biến động giá lên, xuống của nguyên vật liệu xây dựng. Với các dự án không phải là đầu tư công thì có cơ chế khá linh hoạt giữa chủ đầu tư và nhà thầu khi có sự biến động về giá nguyên vật liệu. Điều này đã giúp các dự án của tư nhân được triển khai với tốc độ rất nhanh, thậm chí còn về trước tiến độ cam kết với khách hàng, dù giá cả nguyên vật liệu và nhân công có biến động mạnh” - TS Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Cải cách quy trình, nâng cao trách nhiệm
Để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động của 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Bộ KH&ĐT đánh giá, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, nhất là năng lực cán bộ quản lý dự án còn hạn chế. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng. Một số dự án do ảnh hưởng biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư phải rà soát lại các hạng mục.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương. Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Lý do chậm bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong công tác lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân của 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương. Theo đó, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tập trung công tác đền bù giải phóng mặt bằng - gỡ "nút thắt" trong giải ngân vốn đầu tư công.
Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn.
Theo Thảo Nguyên/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/go-nut-that-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html