Chậm giải ngân của các dự án đầu tư công làm giảm đà tăng tốc phục hồi kinh tế
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế Tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách do ngành Thuế quản lý tiếp tục tăng |
Tại buổi làm việc với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 4, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kết luận rằng, trong thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước tính cập nhật từ đầu năm 2022 đến 31/7/2022, chỉ mới giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về chương trình phục hồi và phát triển, việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng/301 nghìn tỷ đồng.
Qua các con số phân tích ở trên, tại điễn đàn trực tuyến "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới", ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh đánh giá, chậm giải ngân đầu tư công đang bao gồm cả chậm đối với đầu tư ngân sách Nhà nước lẫn chương trình phục hồi và phát triển. Trong khi đó, 2022 là năm mà nền kinh tế cần nhất đòn bẩy tạo hiệu ứng lan tỏa từ mũi nhọn đầu tư lớn của Nhà nước, bởi sau 2 năm đại dịch, nhiều nguồn lực đã cạn, nhất là nguồn lực vốn đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, tín dụng đang bị hạn chế như hiện tại, càng khiến nguồn lực tư nhân, đầu tư mới hẹp hơn.
Chậm giải ngân đầu tư công đang bao gồm cả chậm đối với đầu tư ngân sách Nhà nước lẫn chương trình phục hồi và phát triển (Ảnh minh họa: BT) |
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp là sẽ rà soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để nới phần room còn lại, nhưng cũng sẽ phải xem xét các biến động thường khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng và thậm chí kiểm soát vốn vào các lĩnh vực ít rủi ro, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, hiện nhiều quốc gia mà Việt Nam có ký kết FTA đã bày tỏ quan tâm, làm việc với VCCI để tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt. Hi vọng với sự quan tâm của Chính phủ các nước, công tác hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tốt hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bèn vững, đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo về lao động cho giới chủ
Để tiếp sức doanh nghiệp, tăng tốc cuối năm, Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thứ nhất, cần rà soát tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân nhanh hơn nữa công tác đầu tư công từ cả vốn đầu tư ngân sách và trọng điểm nhất là gói phục hồi và phát triển, nhằm thực hiện các mục tiêu vĩ mô Chính phủ đề ra, đồng thời để các ngành nghề liên quan trực tiếp đến đầu tư công như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản,… gắn với đầu tư công và công ăn việc làm của nhiều lao động, có điều kiện phục hồi.
Thứ hai, song song đó cần tăng tốc đối với gói cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40 nghìn tỷ đồng trong tổng thể chương trình gần 350 nghìn tỷ đồng, đặc biệt cần đẩy nhanh khả năng thực thi gói hỗ trợ này. Hiện đã có nhiều ngân hàng đăng ký gói này nhưng triển khai giải ngân vẫn chậm. “Cách thức chứng minh thủ tục để được vay gói cấp bù lãi suất rất mong được thay đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi trong thực tế”, ông Liêm nhấn mạnh.
Thứ ba, nêu ra “nghịch lý” thu ngân sách đã được gần 1,1 triệu tỷ đồng, đạt kết quả rất tích cực nhưng chính sách tài khóa với các hỗ trợ thuế, phí, vẫn chưa đảo bảo hỗ trợ tối ưu với doanh nghiệp, Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan Bộ, ngành, Chính phủ cần xem xét về nội dung nhanh chóng bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế VAT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, để đảm bảo giá thành hạ xuống thì doanh nghiệp mới có sức phục hồi, sản xuất tốt hơn.
"Đây cũng là điều kiện tiên quyết để qua đó giảm bớt áp lực và nỗi lo về lạm phát từ phía Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp", ông Trần Ngọc Liêm khẳng định.
Bảo Thoa