Bổ sung các cơ chế kiểm soát để chống lợi ích nhóm trong xã hội hóa lĩnh vực y tế
Đại biểu Quốc hội kiến nghị ưu tiên giảm thuế đối với xăng, dầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 13/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, Việt Nam là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới “y tế cơ sở” với quy mô hàng đầu thế giới, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn. Đây là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được.
Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở. Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tới 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí một trạm y tế với số lượng nhân viên tối đa là 10 nhân viên y tế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội). |
Theo đại biểu, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là giải pháp căn cơ nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.
Đặc biệt phải xây dựng sự kết nối giữa cấp khám, bệnh, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên. Quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hòa giữa nguồn thu của các tuyến để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia và mã định danh y tế cho người dân là vô cùng cần thiết để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân ở bất kỳ cấp khám bệnh, chữa bệnh nào. Mã định danh y tế cần được thống nhất với cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý sức khỏe người dân ngay từ khi được sinh ra...
“Tôi cho rằng sự thay đổi của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 cấp phải đạt được những mục tiêu như giải quyết được hiệu quả tình trạng quá tải ở tuyến trên. Người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất và hình thành được thói quen mới trong sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, nhất là mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) |
“Chúng ta thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó và ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó thì có vô số những lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”, đai biểu nói.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật phải phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời, quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh; xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới...
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề cập đến nhiều vấn đề nảy sinh trong việc triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết, hợp tác đặt máy móc, thiết bị trong khám chữa bệnh.
Theo đại biểu, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Thực tiễn đã chứng minh sau một thời gian triển khai chính sách này đã đi vào cuộc sống và mang đến nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề được nhiều cử tri phản ánh đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn). |
Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, đại biểu cho biết việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.
Theo đại biểu, những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, vốn đã kéo dài trong nhiều năm thì nay ngày càng trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh xảy ra các vụ án trong lĩnh vực y tế và tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng.
Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đang đóng băng, không dám triển khai, trong khi đó thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng nâng cao.
“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do lĩnh vực này hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng cho rằng nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, do đó nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có được hệ thống trang thiết bị hiện đại, sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền y tế nước nhà.
Do đó, đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.