Đại biểu Quốc hội kiến nghị ưu tiên giảm thuế đối với xăng, dầu
- Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Đại biểu có thể chia sẻ góc nhìn của mình về tình hình ngân sách hiện nay?
+ Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Số thu này cao so với dự toán, so với mức thu năm 2020. Nguyên nhân có phần là do khi dự toán mình lường trước khó khăn, nhưng giờ kiểm soát được dịch bệnh, du lịch quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn; dịch vụ bán lẻ tăng lên; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng lên; giá dầu thô lại lên, thu xuất nhập khẩu tăng, rồi mình chống thất thu thuế tốt hơn... nên thu ngân sách tăng.
Điểm hết sức lưu ý là trong 5 tháng đầu năm đã thu được 54-55% dự toán rồi, nhưng tới đây nếu không có giải pháp kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thì lạm phát sẽ bùng lên. Khi lạm pháp bùng lên thì chi ngân sách sẽ rất căn cơ, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/5. |
- Vậy theo đại biểu, cần có giải pháp gì để kiềm chế lạm phát?
+ Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Với những nguồn thu tăng đó, Chính phủ nên trình Quốc hội hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, người nghèo, công nhân lao động... dùng gói hỗ trợ đó để đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, dùng nguồn thu đó để tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên giảm thuế với xăng, dầu trước; rồi thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, để hạn chế hiệu ứng domino đến các hàng hóa khác.
Vì, nếu xảy ra lạm phát thì chi đầu tư công sẽ tăng, tất cả các dự toán chi thường xuyên, thậm chí tiền lương cũng phải điều chỉnh theo trượt giá, lúc đó chi ngân sách sẽ tăng. Cho nên, thà lấy nguồn thu đó chi trước để các khoản chi khác không tăng lên. Đồng thời, phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát không phải do mình mở rộng chính sách tiền tệ, kích cầu, vì chưa có giải ngân mà lạm phát đã tăng, nên lạm phát tăng này là lạm phát từ chi phí đẩy. Trong đó chi phí xăng dầu, lưu thông, vận chuyển lớn, vậy nên phải hỗ trợ giảm chi phí đẩy để kiểm soát lạm phát.
Đồng thời cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, vì hiện nay doanh nghiệp đang phải gồng mình để khôi phục sản xuất kinh doanh. Những công cụ hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cần ưu tiên đẩy nhanh hơn.
Với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tôi đã trình bày điều này với Thủ tướng Chính phủ.
- Về việc giảm thuế, có ý kiến cho rằng hỗ trợ đồng đều cho cả người giàu lẫn người nghèo là sự “cào bằng”?
+ Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Việc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu thì ai cũng được hưởng, và không phải người giàu hưởng nhiều hơn đâu. Những người có thu nhập cao, người giàu đã đóng thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách rồi.
- Đại biểu dự báo như thế nào về chỉ số lạm phát và GDP năm nay?
+ Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chỉ số lạm phát sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta có hành động để kiểm soát giá hay không, nếu không hành động giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì lạm phát có thể vượt qua 6%, còn nếu hành động để kiểm soát giá thì ở mức 4-5%.
Còn GDP thì hoàn toàn khả thi, có thể tăng trưởng từ 6% trở lên. Việt Nam đang có nhiều “điềm lành” trong phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể như so với các nước, chúng ta mở cửa nhanh nhất, là điểm đến của khách du lịch quốc tế tăng tốp đầu thế giới. Chúng ta đã tổ chức SEA Games 31 thành công ngoài mong đợi, mang đến hình ảnh một đất nước bình yên, người dân thân thiện. Rồi việc thể thao đạt hơn 200 huy chương vàng cũng kích thích thêm tinh thần dân tộc...
Hầu như các dự báo đều khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Chỉ lo nhất là xung đột Ucraina - Nga làm khủng hoảng năng lượng, lương thực, dẫn đến đói nghèo.
Theo Phương Thảo/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-uu-tien-giam-thue-doi-voi-xang-dau-140773.html