“Biệt phủ” xây trên đất nông trường - Kỳ 2: Không để “hợp thức hóa sai phạm”
Hà Nội: Không được tự ý phá dỡ nhà biệt thự cũ thuộc danh mục quản lý |
Sau khi Báo Lao động Thủ đô có bài viết: “Biệt phủ” xây trên đất nông trường- Kỳ 1: Vi phạm dễ, xử lý…khó!”, phản ánh về hộ bà T, hộ ông Đàm Xuân Sơn và hộ ông Nguyễn Đức Anh xây dựng “biệt phủ”, khu nghỉ dưỡng trên đất vườn, đất nông trường nhưng chính quyền không xử lý dứt điểm sai phạm.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn Phòng Tinh thông luật tại Hà Nội, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh. |
Mới đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn Phòng Tinh thông luật tại Hà Nội, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh để nhìn nhận hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, sử dụng đất sai mục đích của một số tổ chức, cá nhân xây dựng "biệt phủ" không phép trên đất nông nghiệp tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Luật sư Bình cho biết, trước tiên, khi UBND xã Vân Hòa nhận được kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND xã phải ngay lập tức chỉ đạo cán bộ chuyên trách xuống kiểm tra dự án (công trình) để xác định có hay không có hành vi vi phạm của một số cá nhân và trả lời nội dung phản ánh của người dân bằng văn bản cụ thể.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, UBND xã Vân Hòa cần lập biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử lý vi phạm hành chính…theo thời gian quy định, các chủ công trình không cung cấp được giấy phép xây dựng, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì UBND xã sẽ ra quyết định cưỡng chế và thông báo cho chủ công trình biết.
Trường hợp UBND xã Vân Hòa không giám sát và quản lý các công trình vi phạm đúng theo hiện trạng trong biên bản kiểm tra, để các dự án vi phạm hoàn thiện hạng mục công trình đưa người vào ở, nhận khách nghỉ dưỡng…, việc quản lý yếu kém là trách nhiệm thuộc về xã, vì vậy, UBND huyện Ba Vì cần nhìn nhận lại tác phong làm việc của Chủ tịch UBND xã Vân Hòa để tránh gây bất ổn dư luận, nhanh chóng giải quyết vụ việc. Đồng thời, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
Cũng theo Luật sư Bình, đã là sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng, tạo tính răn đe đối với mỗi tổ chức, cá nhân đang manh nha tư tưởng xây sai phạm trước, xin giấy phép hợp thức hóa sau. Một số công trình trên Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ và dự án Rubic Home xây dựng không giấy phép, sử dụng đất sai mục đích đã được chính quyền xác định rõ ràng, vậy nên, sai phạm do người đi trước không giải quyết dứt điểm thì người kế nhiệm về sau phải thực hiện
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất có quy định, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dự án Rubic home xây dựng một phần trên đất nông nghiệp. |
Hành vi vi phạm của một số cá nhân, tổ chức thực hiện xây dựng công trình trên đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp khi chưa có phép tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt hành chính rồi thực hiện cưỡng chế.
Luật sư Bình cho biết thêm, việc thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đã có hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn cụ thể về áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như sau, người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Trong đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.
Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm quyền thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ.
Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Thượng Quang