TRỰC TUYẾN: Giải đáp những chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, đồng thời trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, về phía thành phố Hà Nội có các đại biểu: Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Đan Phượng và báo Lao động Thủ đô dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
Về phía huyện Đan Phương có các đại biểu: Ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; Phạm Thị Kim Oanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Nguyễn Viết Thái - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy.
Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng.
Đặc biệt có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động huyện Đan Phượng.
Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
8h05: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, đồng chí Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Báo Lao động Thủ đô với phương châm đồng hành, vì người lao động, luôn chú trọng lựa chọn các vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của người lao động để xây dựng chủ đề đối thoại, giao lưu.
Xuất phát từ thực tế các chế độ, chính sách thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi; điển hình như việc tăng lương cơ bản với một số đối tượng sẽ được thực hiện từ 1/7 tới đây. Hoặc lĩnh vực BHXH thời gian qua phát sinh nhiều bất cập, khiến cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Những sự thay đổi đó, nếu người lao động không cập nhật kịp thời có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền, lợi ích chính đáng.
|
Bởi vậy, Báo đã lựa chọn chủ đề “Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội” cho buổi đối thoại ngày hôm nay. Với mục tiêu cập nhật cho các đơn vị, doanh nghiệp, CNVCLĐ những quy định, chính sách hiện hành, thiết thực như tiền lương, BHXH, pháp luật lao động, thời gian làm việc,…
Đồng hành với Báo có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, BHXH, Công đoàn. Do đó, Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, CNVCLĐ đang có mặt ở hội trường mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi, chia sẻ các vấn đề còn thắc mắc tại buổi đối thoại. Để từ đó, các chuyên gia sẽ giải đáp, tư vấn, giúp đoàn viên và người lao động hiểu thêm về quyền lợi, nghĩa vụ của mình và có thể tháo gỡ được các vấn đề của cá nhân.
8h15: Cùng phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy khẳng định, những chính sách mới liên quan tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động… là những nhóm vấn đề quan trọng nhất mà người sử dụng lao động và người lao động quan tâm. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, tinh thần của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và sự phát triển của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại buổi đối thoại. |
Để buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến đạt kết quả, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng đề nghị các anh chị em cán bộ công đoàn, CNVCLĐ hãy mạnh dạn, thẳng thắn, tập trung đưa ra những câu hỏi, vấn đề, tình huống thực tiễn thường gặp phải trong cuộc sống; những băn khoăn khi thực hiện các chính sách về pháp luật lao động và BHXH ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình để các chuyên gia tư vấn, giải đáp.
“Đồng thời, tại diễn đàn này, rất mong các chuyên gia sẽ mang hết kiến thức, những hiểu biết nhiệt tình tư vấn, giải đáp thắc mắc giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Đan Phượng và báo Lao động Thủ đô tặng hoa cho các chuyên gia. |
8h20: Chuyên gia trả lời các câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, CNVCLĐ
Chị Trần Thị Yến, Công ty Cổ phần Việt An, hỏi:
Người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật người lao động vắng mặt không? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Người lao động có quyền được tham gia trong quá trình xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên, đối với những trường hợp mặc dù người sử dụng lao động đã thông báo thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động nhưng người lao động không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải khi vắng mặt người lao động phải được thực hiện tuân thủ theo đung quy định tại Điều 70 Bộ luật Lao động 2019 gồm 4 bước: Xác minh hành vi vi phạm; xử lý kỷ luật lao động; họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp; ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trường THCS Liên Trung, hỏi:
Tôi là giáo viên đã công tác được 30 năm, nay tôi 53 tuổi, tôi có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm có được không? Quyền lợi tôi được hưởng cụ thể như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Hiện nay có 2 trường hợp có thể về hưu sớm, thứ nhất là giám định suy giảm sức khỏe, thứ hai là nghỉ theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP có quy định về tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với trường hợp giám định suy giảm sức khỏe, người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% có thể nghỉ hưu sớm.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định và tương ứng với số năm đóng BHXH. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Còn đối với Nghị định 29/2023/NĐ-CP có quy định về tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Chị Lê Thị Thắm, Trường Mầm non Phương Đình, hỏi:
Người lao động bị ốm, phải nhập viện. Bảo hiểm y tế của người lao động đăng ký tại Bệnh viện huyện Đan Phượng. Giấy chuyển tuyến ra bệnh viện Xanh Pôn nhưng người lao động muốn nhập và điều trị tại Bệnh viện 108. Như vậy người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Câu hỏi của chị là về việc người lao động được chuyển đúng tuyến ra Xanh Pôn nhưng muốn vượt tuyến qua Bệnh viện 108. Như vậy, khi đi khám, người lao động sẽ được hưởng chế độ BHXH 40% trên mức quyền lợi chúng ta đang được hưởng. Cụ thể, theo quy định hiện nay, chúng ta sẽ được hưởng 40% trên 80% quyền lợi mà được hưởng.
Chị Lê Thùy Dương, Công ty Cổ phần môi trường Tân Hội, hỏi:
Công ty tôi có một lao động mới tham gia BHXH bắt buộc được 7 tháng nhưng không may bị đột quỵ vừa qua đời. Xin hỏi chuyên gia, thân nhân của lao động này có được hưởng chế độ gì từ BHXH (chế độ tử tuất, trợ cấp 1 lần...) hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Đối với trường hợp người lao động mới tham gia BHXH được 7 tháng nhưng không may bị đột quỵ thì chỉ được hưởng chế độ tuất 1 lần, mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Mai táng phí cũng không được nhận do người lao động chưa đủ 1 năm đóng BHXH.
Anh Nguyễn Văn Ngư - Chủ tịch Công đoàn xã Đồng Tháp hỏi:
Xin chuyên gia cho biết: Trường hợp người lao động trong thời gian nghỉ phép không may bị bệnh đột xuất phải nhập viện (trong 5 ngày đợt nghỉ phép), thì người lao động đó có được hưởng chế độ nghỉ để điều trị không? Trong thời gian nghỉ ốm, người lao động có được hưởng nguyên lương hay không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Người lao động chỉ được hưởng một trong 2 chế độ đó là nghỉ phép năm hoặc nghỉ ốm. Bởi vậy, trong thời gian nghỉ phép thì người lao động đó có được hưởng chế độ nghỉ để điều trị. Trong thời gian nghỉ ốm, thì sẽ không có lương mà được thanh toán Bảo hiểm xã hội sẽ được 75% lương.
Chị Hoàng Liên Tuyết, Công ty Topmode, hỏi:
Người lao động ở công ty làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại vượt quy định nhưng không nằm trong danh mục nghề độc hại, nguy hiểm. Trong trường hợp này, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện chế độ bồi dưỡng không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Như chị vừa chia sẻ, công việc không nằm trong danh mục nghề độc hại, nguy hiểm tuy nhiên khi đó, trong môi trường có yếu tố độc hại, trong trường hợp này, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người lao động, tuy nhiên pháp luật khuyến khích điều này.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Công ty Việt An, hỏi:
Tôi ký hợp đồng lao động làm ở bộ phận đóng gói, sau vài tháng làm việc Công ty chuyển tôi sang làm ở bộ phận sơ chế nhưng không thông báo trước, việc Công ty chuyển vị trí làm việc của tôi như vậy thì có đúng hay không?
Chuyên gia Đặng Văn Thành:
Quy định điều 29 Bộ luật Lao động động quy định rất rõ người sử dụng lao động được quyền điều chuyển lao động trong các trường hợp như: Bệnh nghề nghiệp, sự cố điện nước, hoặc vì nhu cầu sử dụng lao động… Người sử dụng lao động có quyền được điều chuyển người lao động tối đa không quá 60 ngày, nếu quá 60 ngày thì phải có sự đồng ý của người lao động.
Nếu người sử dụng lao động ở công ty của bạn vì mục đích sản xuất kinh doanh, điều chuyển không quá 60 ngày thì đúng quy định, nếu quá 60 ngày thì không đúng quy định.
Anh Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Mekamic hỏi:
Trong điều kiện lao động bình thường có bao nhiều lao động trở lên thì Công ty phải thành lập phòng vệ sinh lao động và bố trí 2 cán bộ an toàn lao động? Công ty có phải bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế tại công ty không?
|
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, trong điều kiện lao động bình thường, thì công ty phải thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động với điều kiện từ 1.000 lao động trở lên.
Còn đối với việc bố trí cán bộ an toàn vệ sinh lao động trong môi trường làm việc bình thường thì doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập Ban an toàn, trên 300 lao động trở lên thì thì phải cử cán bộ chuyên trách, dưới 300 lao động thì cử cán bộ an toàn. Còn đối với cán bộ y tế, bắt buộc các cơ quan, đơn vị phải bố trí cán bộ y tế. Còn nếu theo thực tế, nếu không bố trí cán bộ y tế được thì có thể ký hợp đồng với cán bộ y tế xã để thực hiện trách nhiệm của mình.
Chị Đặng Thị Huệ Trường Mầm non Thọ Xuân hỏi:
Cháu tôi bị tai nạn lao động, hiện tại cháu bị liệt toàn thân, mất khả năng sinh hoạt, phải nhờ sự chăm sóc của mẹ. Vậy xin hỏi chuyên gia, trong trường hợp này, bên doanh nghiệp phải chịu những trách nhiệm gì với cháu và cháu phải làm giấy tờ thủ tục gì để được hưởng quyền lợi khi không còn khả năng làm việc?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Khi có tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ gửi lên cơ quan có thẩm quyền để người tai nạn lao động được hưởng các chế độ chính sách.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Trong trường hợp này chủ sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí điều trị y tế cho người lao động; Công ty có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ khi bị tai nạn lao động đến khi ổn định kiểm tra giám định sức khỏe lao động, phục hồi chức năng lao động; Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp; Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
Trịnh Thị Lan, Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, hỏi:
Xin chuyên gia cho biết, lao động là người khuyết tật, người cao tuổi, lao động chưa thành niên, người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mấy tháng một lần?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Đối với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, thì theo quy định, mỗi năm sẽ được khám sức khỏe 1 lần. Còn đối với người lao động khuyết tật, người lao động cao tuổi, người lao động chưa thành niên làm việc trong môi trường độc hại, mỗi năm được khám sức khỏe ít nhất 2 lần/năm.
Công nhân Nguyễn Xuân Lịch - Trường Cao đẳng Công nghệ Vận tải Hà Nội hỏi:
Những điều kiện nào để người lao động từ chối bổ nhiệm chức vụ mới tại đơn vị?
Chuyên gia Đặng Văn Thành:
Hợp đồng lao động dựa trên sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu thỏa thuận không đạt được, thì người lao động được quyền từ chối tham gia vị trí, môi trường làm việc đó.
Anh Trần Văn Luân - Công ty TNHH Kyung Bo hỏi:
Một công nhân vận hành máy không may gặp sự cố mất điện và công nhân đó bị kẹp mất một ngón tay nhưng lại không được công nhận là tai nạn lao động. Như vậy có đúng không? Khi nào thì người sử dụng lao động phải bồi thường cho người bị tai nạn lao động? Khi nào thì người sử dụng lao động không phải bồi thường cho người bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc?
|
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp bạn hỏi đương nhiên là tai nạn lao động do sự việc xảy ra trong quá trình người lao động đang làm việc. Lúc này chủ sử dụng lao động phải thanh toán phần chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp .
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cho người lao động khi không do lỗi hoàn toàn của người lao động. Nếu tai nạn lao động lỗi hoàn toàn do người lao động thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp.
Một bạn đọc hỏi: Hiện nay không chỉ các mẹ được hưởng chế độ thai sản, các bố cũng được hưởng, xin chuyên gia cho biết rõ hơn về chế độ này?
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Lao động nam đang đóng BHXH khi có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường; nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc… Thời gian chồng nghỉ thai sản quy định tại quy định này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Nếu trường hợp mẹ không đóng BHXH, bố đóng BHXH, thì bố sẽ được hưởng 2 tháng trợ cấp cho con.
Sau sinh người vợ không đảm bảo sức khỏe, người chồng có quyền được nghỉ 6 tháng để chăm con, tuy nhiên cần có giấy chứng nhận xác định tình trạng sức khỏe của vợ.
Anh Nguyễn Văn Cương - Công ty Chinlanshing hỏi:
Theo pháp luật lao động khi xảy ra tai nạn lao động chết người thì doanh nghiệp phải khai báo ngay với cơ quan nào? Người sử dụng lao động có phải lấy ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Trong Luật quy định, khi xảy ra chết người phải báo ngay một cách nhanh nhất (có thể báo bằng văn bản hoặc gọi điện) cho 2 cơ quan có thẩm quyền: Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội; Công an huyện nơi xảy ra tai nạn; đồng thời phong tỏa hiện trường để cơ quan chức năng đến làm việc.
Còn về câu hỏi người sử dụng lao động có phải lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ không thì tôi xin trả lời là bắt buộc phải lấy. Trước khi ban hành, bắt buộc phải lấy ý kiến Công đoàn cơ sở. Trong Luật đã quy định điều này và có chế tài xử lý rõ khi không thực hiện.
Anh Đỗ Hùng Minh, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Lương Thế Vinh, hỏi:
Người lao động có được phép xin nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian khoảng 20 ngày không? Chế độ nghỉ phép, nghỉ ốm của cán bộ công chức, viên chức được quy định cụ thể như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: Kết hôn nghỉ 3 ngày; con đẻ, con nuôi kết hôn nghỉ 1 ngày…
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Theo đó, người lao động có thể thảo thuận với người sử dụng lao động để thống nhất số ngày nghỉ không lương mà hiện nay pháp luật không có quy định hạn chế về số ngày nghỉ tối đa.
*Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi thuộc một trong các trường hợp:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, nếu người lao động tham gia BHXH và đi khám bệnh phải nghỉ việc thì cần có giấy xác nhận nghỉ ốm đau hưởng chế độ BHXH do bệnh viện cung cấp khi đó sẽ được BHXH chi trả chế độ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Công ty Môi trường Tân Hội, hỏi:
Một công nhân trên đường đi làm đến công ty không may bị tai nạn, lúc đó chỉ có công an xã đến giải quyết. Công nhân có báo đến công ty, sau đó nộp lại giấy tờ cho công ty nhưng công ty không công nhận là tai nạn lao động? Xin chuyên gia cho biết, công ty làm như vậy đúng hay sai?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Có thể xác định người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Như vậy, trường hợp công ty không công nhận tai nạn lao động là không chính xác.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Tai nạn lao động được công nhận là trên tuyến đường đi và về nơi làm việc đến nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trước đây, hồ sơ vụ việc cần điều tra, biên bản đo đạc hiện trường của công an. Theo quy định mới, đối với những trường hợp tai nạn ở khu vực khác không có công an thì cần có xác định của UBND xã, phường. Ở đây phải xem xác nhận của công an xã, phường đã đủ điều kiện xác định thời gian, quãng đường di chuyển là tai nạn lao động chưa.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Công ty Cổ phần Ngôi sao Châu Á hỏi:
Tại đơn vị của tôi gần đây một số lao động tự kiểm tra sổ BHXH thì phát hiện hiện tại vẫn đang sử dụng bìa cũ, trước năm 2016. Vì không hiểu biết nên chưa cấp lại mẫu mới, cán bộ hướng dẫn khi người lao động nghỉ hẳn thì mới chốt sổ và đổi sổ mới. Tuy nhiên, người lao động vẫn muốn được đổi sổ mới, không biết có ảnh hưởng gì không?
Ngoài ra, tại đơn vị trước, người lao động bị thiếu thời gian tham gia bảo hiểm? Xử lý thế nào?
|
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc quy định đồng bộ sổ BHXH đã có từ trước, việc này rất đơn giản. Do vậy, công ty cần phối hợp với BHXH huyện để kê khai số lao động cần đổi để sửa, đồng bộ luôn; các cập nhật mới này sẽ được đồng bộ và hiển thị trên VssID.
- Còn về việc người lao động thiếu thời gian tham gia BHXH tại đơn vị cũ, thì việc thiếu có 2 lý do: Phía BHXH đang chốt, hiển thị thiếu hoặc đơn vị cũ đang chốt thiếu. Do vậy, người lao động phải làm việc với BHXH huyện để xem nguyên nhân từ đâu, nếu do đơn vị cũ chốt thiếu, người lao động phải quay về đơn vị cũ để kiểm tra lại.
Câu hỏi bạn đọc hỏi:
Xin chuyên gia cho biết trong trường hợp nào người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Viết Thái tặng quà cho người lao động |
Luật sư Đặng Văn Thành:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định tại Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019. Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng; đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Những quy định về quan hệ lao động trong Bộ Luật Lao động 2019 rất linh hoạt, có điểm rất mới là người lao động khi nghỉ việc không cần lý do chỉ cần báo trước theo quy định. Nếu các trường hợp đặc biệt như quấy rối tình dục, vi phạm giao kết hợp đồng lao động, người lao động có thể nghỉ việc ngay mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Anh Trần Tuấn Anh - xã Hạ Mỗ hỏi:
Với công chức được tuyển dụng làm việc trong các đơn vị nhưng tổ chức lại tiến hành điều chuyển, tôi có phải tuân thủ không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Đối với công chức, viên chức khi tuyển dụng vào một vị trí, đơn vị làm việc tại đơn vị nhưng được điều chuyển thì phải tuân thủ theo sự phân công của Đảng, của tổ chức.
Khi điều chuyển vị trí làm việc của người lao động thì sẽ có quy trình từ họp thống nhất và ra quyết định điều chuyển, khi đó công chức, viên chức sẽ phải tuân thủ.
Chị Vũ Thị Bảo, Công ty Thực phẩm Richy, hỏi:
Hiện tại tôi đang đang làm trong một doanh nghiệp tư nhân có 80 lao động, tất cả 80 lao động đều ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầy đủ BHXH, BHYT và BHTN. Tuy nhiên, tập thể người lao động vẫn yêu cầu doanh nghiệp hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Doanh nghiệp tư nhân cho rằng người lao động đã có thẻ bảo hiểm y tế thì tự đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Vậy, doanh nghiệp có đúng hay không và trong trường hợp này tập thể người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Đây là thắc mắc hoàn toàn chính xác của người lao động, vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đã được quy định trong Luật BHXH 2015, trong đó có quy định, mỗi năm người sử dụng lao động phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 1 lần/năm.
Còn đối với với người khuyết tật, người lao động cao tuổi… làm việc trong môi trường độc hại thì mỗi năm người sử dụng lao động phải thực hiện khám sức khỏe cho người lao động tối thiểu 2 lần/năm. Còn với trường hợp của chị, việc khám sức khỏe định kỳ không liên quan đến việc dùng thẻ BHYT, người sử dụng lao động đã hiểu sai.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh - Công ty Topmode hỏi:
Với công ty đủ điều kiện nhưng không thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định, Công ty có bị xử lý không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Việc thành lập và tham gia tổ chức Công đoàn là tự nguyện và theo yêu cầu của người lao động. Hiện nay pháp luật chưa có chế tài nào đối với việc doanh nghiệp không tham gia tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, đối với các đơn vị, doanh nghiệp khi đã tham gia tổ chức Công đoàn rồi thì cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về lao động. Và khi thành lập tổ chức Công đoàn rồi, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu doanh nghiệp vi phạm quy định thì sẽ bị cơ quan thanh tra xử lý vi phạm theo quy định của Luật Công đoàn và pháp luật về lao động mà Nhà nước quy định.
Một bạn đọc hỏi:
Trong trường hợp nào người lao động nghỉ việc vẫn được hưởng nguyên lương?
Luật sư Đặng Văn Thành:
Theo Điều 113 Bộ luật dân sự 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Bên cạnh những ngày nghỉ đã nêu, người lao động được nghỉ những ngày khác như: Ngày nghỉ Lễ Tết 11 ngày/năm; các trường hợp nghỉ có việc riêng (bản thân cưới, bố mẹ qua đời)…
Một công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long hỏi:
2 vợ chồng tôi cùng đóng BHXH, cùng nghỉ chăm con ốm thì có được hưởng chế độ BHXH không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Cả hai vợ chồng cùng đóng BHXH, cùng nghỉ để chăm con thì sẽ được hưởng thanh toán chế độ nghỉ chăm con ốm bình thường.
Một bạn đọc gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến:
Tôi đóng BHXH 5 năm trở lên thì có được hưởng quyền lợi gì ưu đãi hơn người chưa đóng đủ 5 năm hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Chúng ta biết, khi tham gia BHXH, quy tắc quan trọng nhất đối với người đóng BHXH là đóng càng cao, thì hưởng càng cao. Còn nếu người tham gia BHXH chưa giải quyết chế độ BHXH một lần, đối với các chế độ dài hạn, thì 5 năm hay 10 năm sau vẫn được hưởng các chế độ theo quy định của Luật BHXH bình thường. Tuy nhiên, đối với các chế độ ngắn hạn như nghỉ dưỡng sức, thì cần thực hiện giải quyết các chế độ luôn khi thực hiện giải quyết chế độ BHXH.
Chị Lê Thị Nga - Chủ tịch Công đoàn Công ty Kyung Bo hỏi:
Công đoàn cơ sở có trách nhiệm gì với Hội nghị người lao động. Nếu công ty không tổ chức thì Công đoàn cần làm gì?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Tổ chức Hội nghị người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động, Công đoàn chỉ phối hợp tham gia. Theo quy định, người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có trách nhiệm tổ chức Hội nghị người lao động ít nhất một năm một lần. Nếu công ty hàng năm không tổ chức Hội nghị người lao động, tức là vi phạm nghĩa vụ người sử dụng lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo quy định.
Do vậy, nếu Công ty không tổ chức Hội nghị người lao động, Công đoàn có thể đề xuất, tham mưu cho đơn vị.
Chị Doãn Thị Hương - Công ty Hóa Dệt Hà Tây hỏi:
Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau đau ốm được quy định như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Trong Luật BHXH có quy định rõ về các chế độ ốm đau, thai sản. Các chế độ này đều có chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Do vậy, khi người lao động đã hưởng đủ chế độ ốm đau, đi làm lại mà không đảm bảo sức khỏe thì người sử dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sẽ họp và quyết định.
Đối với trường hợp nghỉ dưỡng sức sau khi nghỉ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định. Tuy nhiên, với trường hợp người lao động đi làm sớm 2 tháng, tuyệt đối không được giải quyết chế độ dưỡng sức. Vì nếu muốn đi làm sớm thì phải đảm bảo sức khỏe mới đi làm được, do vậy BHXH sẽ không giải quyết chế độ này.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Công ty Cổ phần Ngôi Sao Châu Á hỏi:
Tại doanh nghiệp, với vị trí lao động trong thời gian học việc, chúng tôi ký hợp đồng tập nghề trong 60 ngày, xin hỏi, loại hình hợp đồng này đúng không? Trong thời gian thực hiện tập nghề thì người lao động học không đủ thì có cần gia hạn không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Khi tập nghề sử dụng cho doanh nghiệp thì được phép, nhưng không quá 3 tháng. Sau đó doanh nghiệp sẽ xem xét để ký hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình tập nghề, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo các điều kiện về đảm bảo an toàn lao động cho người lao động.
Anh Tuấn công đoàn Công ty Mekamic hỏi:
Người nhà tôi nghỉ việc và công ty chấm dứt hợp đồng từ tháng 3/2023, nay người nhà vẫn nghỉ và chưa đi làm, nay nếu người nhà đóng BHXH mà không gây gián đoạn thì có được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:
Nếu như người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Trong 3 tháng khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể gửi hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để hưởng trợ cấp.
Đối với những trường hợp không hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động có thể tham gia BHXH hộ gia đình hoặc BHXH tự nguyện, lúc này người lao động có quyền chọn mức đóng. BHXH theo nguyên tắc đóng hưởng vì vậy càng tham gia sớm BHXH, người lao động càng được hưởng lợi.
Chị Lê Thùy Dương - Công ty Môi trường Tân Hội hỏi:
Đặc thù công ty môi trường địa bàn trải rộng, ở Công ty có công nhân được giao làm ở địa bàn A, sau khi làm xong trên địa bàn được giao thì công nhân dùng phương tiện của Công ty để di chuyển đến địa bàn B để thực hiện việc riêng và bị tai nạn thì Công ty có cần chịu trách nhiệm gì không? Có phải tai nạn lao động không? Nếu người này tử vong thì công ty chịu trách nhiệm ra sao?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong luật đã quy định rất rõ, nếu người lao động bị tai nạn ngoài nơi làm việc, ngoài vị trí làm việc theo sự phân công của người có trách nhiệm phân công của doanh nghiệp thì là không được xác định là tai nạn lao động. Tuy nhiên, cần đối chiếu theo quy định hoặc quy chế của doanh nghiệp có đề cập đến vấn đề này hay không, nếu không có thì không phải là tai nạn lao động.
Nếu không phải tai nạn lao động thì người lao động sẽ được giải quyết các chế độ theo quy định của luật BHXH.
Phát biểu bế mạc cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có trên 30 câu hỏi của CNVCLĐ liên quan đến các chế độ, chính sách gửi tới chương trình. Cũng chính qua những buổi Đối thoại, giao lưu này, giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và người lao động. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô. |