Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
TRỰC TUYẾN: Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội TRỰC TUYẾN: Trang trọng Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam |
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm giúp độc giả hiểu thêm về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử, nhìn lại chặng đường đã đi qua và hướng tới tương lai.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm. |
Tham dự tọa đàm, về phía lãnh đạo Thành phố, có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Dự tọa đàm, có các vị khách mời: Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm - Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội; ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông; Nhà báo, nhà văn, Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Ngọc Tiến; chị Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam - 1 trong 100 công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024”.
Về phía Báo Lao động Thủ đô, có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập; Lê Thị Bích Ngọc - Bí thư Chi bộ, nguyên Tổng Biên tập; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập; cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên tham gia truyền trực tuyến sự kiện.
Đặc biệt, tham dự tọa đàm có các cán bộ công đoàn, nhà nghiên cứu về Hà Nội, công nhân lao động đã từng làm việc tại những nhà máy, xí nghiệp; các gương cán bộ công đoàn, công nhân điển hình Thủ đô xuất sắc - những người đã góp phần làm nên chặng đường lịch sử đầy tự hào của Thủ đô suốt 70 năm qua.
9h00: Khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh, cuộc Tọa đàm nhằm cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng Giải phóng Thủ đô 10/10; khắc họa lại bức tranh về những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở Thủ đô Hà Nội với việc ra đời hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học... Đây chính là tiền đề làm hậu phương vững chắc cho chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước.
Nhà báo Nguyễn Văn Bình, Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Sự thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Thủ đô có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn. Các phong trào thi đua thời kỳ này thực sự tạo sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đưa nhiều hàng hóa ra tiền tuyến phục vụ cuộc kháng chiến đi tới thành công.
Tự hào về những thành quả đã đạt được của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn giai đoạn 1955 - 1975 và những thập kỷ sau đó, trong giai đoạn hiện nay, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Đại hội 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra.
Tham dự tọa đàm là các vị khách từng có những năm tháng công tác tại các nhà máy, trường học khi thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ở Thủ đô và đấu tranh thống nhất nước nhà; từng làm cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ, Công đoàn; đại diện nhà văn, nhà báo có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội và những cán bộ công đoàn, công nhân đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp để cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng, cũng như gợi mở các ý kiến đóng góp để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn phát triển, có đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn minh - Văn hiến - Hiện đại.
9h10: Tặng hoa các vị khách mời
Các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô tặng hoa các diễn giả tham gia Toạ đàm. |
9h15: Phát Phóng sự " Những dấu mốc son lịch sử về Ngày giải phóng Thủ đô"
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những dấu mốc son lịch sử về Ngày Giải phóng Thủ đô, quá khứ đầy tự hào, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong công cuộc Giải phóng Thủ đô.
Đại biểu theo dõi Phóng sự. |
9h20: Giao lưu các vị khách mời
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt gần 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, ngỡ tưởng nền độc lập của nước nhà được bền lâu. Nhưng không, với âm mưu đô hộ nước ta, thực dân Pháp không công nhận nền độc lập của Việt Nam, thế nên năm 1946, chúng quay trở lại xâm lược.
Một lần nữa, quân và dân Thủ đô Hà Nội lại bước vào cuộc chiến chống thực dân Pháp. Những ngày Hà Nội mùa Đông năm 1946 mãi ghi vào trang sử sách oanh liệt của dân tộc Việt Nam và của quân và dân Hà Nội.
Các khách mời tham gia buổi Toạ đàm. |
Vì đất nước vừa giành độc lập, nền kinh tế bị kiệt quệ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xét thấy tương quan lực lượng hai bên không đều, nên đã quyết định dời Thủ đô lên căn cứ Việt Bắc để rồi “chín năm làm một Điện Biên, nên vành khăn đỏ nên thiên sử vàng”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là chiến thắng cáo chung chủ nghĩa thực dân trên bán đảo Đông Dương và Việt Nam; mở đường để những chàng trai Hà Nội hào hoa ngày nào như những câu thơ đầy chất lãng lãng mạn “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi chút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/Trở về, trở về chiếm lại quê hương.
Ký ức không bao giờ quên
Chia sẻ tại tọa đàm, ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, khi đó, ông đang là thiếu niên, và những ký ức về hào khí Tháng Mười năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông.
“Thời điểm năm 1954 khi Thủ đô giải phóng, tôi mới 13 tuổi và nhà ở Thanh Trì, nhưng trong ký ức vẫn đậm nét kỷ niệm không thể nào quên về không khí hào hùng ngày 10/10/1954. Tôi còn nhớ, để chuẩn bị cuộc mít tinh chào mừng, trước ngày 10/10/1954 nhiều tuần lễ, tôi được các anh, chị dân quân tự vệ trong làng lựa chọn vào đội cổ động tuyên truyền. Tôi thấy vinh dự lắm.
Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ tại buổi Toạ đàm. |
Tôi và các bạn được chọn đêm đêm đều tập trung ra ngoài sân đình để tập đội ngũ. Chúng tôi tập đi, tập nghỉ, tập quay trái, tập quay phải, tập hát, tập múa… Ai nấy đều rất hào hứng. Hơn hết, đêm đêm ở trong vùng đều vang lên bài ca cách mạng. Không khí cách mạng sục sôi.
Đến tối ngày 9/10/1954, vào khoảng 9h tối, chúng tôi được tập trung. Khi ấy, mỗi người chúng tôi được trao cho nắm cơm và muối vừng. Nắm cơm ấy được gói trong lá chuối khô để lo cho ngày đón bộ đội. Nắm cơm ấy chúng tôi dành cho những anh hùng, những chú bộ đội kịp dùng bữa khi tiến vào Thủ đô.
Đêm ấy dù không đèn đuốc, từ làng lên phố đường xá vẫn quanh co, đi bộ cả đêm nhưng không ai kêu than mệt mỏi. Ai ai cũng háo hức đón đoàn quân giải phóng. Sáng hôm sau chúng tôi nhập vào đoàn người đón quân giải phóng.
Đại biểu tham dự buổi Toạ đàm. |
Giờ đây, mỗi khi nhìn lại những bức ảnh, xem lại những thước phim về ngày 10/10/1954, ký ức trong tôi lại tràn về. Tôi tự hào và tin trong đoàn người đón đoàn quân giải phóng ghi lại ở những thước phim trân quý ấy thì ở đó có tôi – một cháu thiếu niên đón đoàn quân giải phóng trùng trùng về Thủ đô", ông An Đức Độ chia sẻ.
“Ai cũng được học hành”
Trong thời gian diễn ra sự kiện Giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Tùng Lâm là một học sinh của Hà Nội. Sau đó, cả thời gian làm việc gần 60 năm của ông gắn bó với ngành Giáo dục Thủ đô, tham gia đóng góp cho sự phát triển của Giáo dục Thủ đô
“Tôi là học sinh Trường cấp 3 Việt Đức, ngày xưa là trường phổ thông 3. Tôi cũng được hưởng một nền giáo dục hết sức hiện đại. Lúc đó là trường kết nghĩa với Đức nên được trang bị đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thí nghiệm.
Lúc đó chúng tôi không học thêm, đúng như Bác Hồ nói “một giáo dục phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi người”. Tôi thấy, thế hệ học sinh của chúng tôi trưởng thành rất nhiều, có đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
|
Hiện nay, chúng ta có thể thấy Thủ đô của chúng ta đã to đẹp hơn, đàng hoàng hơn rất nhiều so với ngày Giải phóng. Chúng ta đã làm được một việc mà Bác Hồ từng tâm nguyện là “ai cũng được học hành”. Quy mô giáo dục Hà Nội từng ngày phát triển, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Tất cả các quận, huyện, thị xã đều có những trường xây dựng mới theo chuẩn quốc gia rất đẹp, hiện đại.
Hình ảnh của các nhà trường có rất nhiều thay đổi. Ngành Giáo dục Thủ đô có những mô hình trường học đứng đầu cả nước. Chẳng hạn như: Trường Tiểu học Thăng Long đưa ra mô hình vở sạch chữ đẹp; Trường cấp 2 Trưng Vương phát huy được truyền thống từ xưa, là ngọn cờ tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô; phong trào thi đua “Hai tốt” điển hình như Trường THPT Xuân Đỉnh; Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm đưa ra phương thức giáo dục gắn với lao động sản xuất…
Sản phẩm của giáo dục Thủ đô là những con người đáp ứng được phong trào “3 sẵn sàng, 3 đảm đang”, phong trào tình nguyện. Tôi rất nhớ phong trào tình nguyện đi xây dựng miền núi. Các thầy cô giáo của chúng ta trở thành các thầy cô giáo đi khắp các miền…
Đây là một vài điểm tôi cho rằng đánh dấu được sự phát triển Thủ đô. Thủ đô của chúng ta cũng luôn có học sinh giỏi, học sinh thi được giải quốc gia, quốc tế và quan trọng là đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Công nhân lao động - lực lượng tiên phong tham gia tái thiết Thủ đô
Là người con của Hà Nội, sinh ra sau ngày Giải phóng Thủ đô khoảng 4 năm, nhưng nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lại gắn bó hầu hết thời gian công tác với Hà Nội, nghiên cứu nhiều về Hà Nội, viết nhiều sách về Thủ đô.
“Tôi xin hoan nghênh toạ đàm do Báo Lao động Thủ đô tổ chức, vì năm nay là 70 năm Giải phóng Thủ đô và cũng là dịp kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ tại buổi Tọa đàm. |
Tôi muốn chia sẻ những nghiên cứu của tôi về công nhân Hà Nội. Khi thực dân Pháp xâm lược đất nước thì bắt đầu có công nhân Hà Nội. Trong đó, phải kể đến nhà máy đầu tiên ở Hà Nội là nhà máy sản xuất, sửa chữa các chi tiết, phụ tùng linh kiện nằm ở phố Lê Phụng Hiểu, rồi đến các Nhà máy điện Hà Nội, bia Hà Nội, Nhà máy thuốc lá, Nhà máy thuỷ tinh…
Khi chưa có tổ chức Công đoàn thì năm 1926, những người công nhân sản xuất bánh mì đã liên kết với nhau đứng lên đấu tranh, phản đối những ông chủ Pháp và đình công 3 ngày không làm bánh mì. Đây là những cuộc đấu tranh không hẳn tự phát mà đã có ý thức tập hợp, liên kết với nhau.
Tôi là người sinh sau chiến tranh, nhưng cũng có những nghiên cứu và đi cơ sở gặp gỡ nhiều nhân chứng thì thấy rằng, đoàn quân tiến về Thủ đô 10/10 là hình ảnh có tính chất biểu tượng. Trước đó, từ 2-5/10/1054, các đơn vị lực lượng vụ trang, cán bộ hành chính đã vào tiếp quản các xí nghiệp, nhà máy. Sáng 10/10 các cánh quân của các đơn vị quân đội, đi từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng.. Các nhóm khác xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Cánh quân nữa đi từ Văn Cao qua cửa ô Thanh Bảo…
Ngày 17/10/1954, tức là sau 7 ngày tiếp quản thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn và đưa ra biện pháp giữ gìn an ninh trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc đầu tiên là cung cấp điện và nước sạch cho Thành phố, như vậy là công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ là lực lượng tiên phong tham gia tái thiết Thành phố sau chiến tranh.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. |
Để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp xây dựng, từ năm 1956 là bước chuyển biến vô cùng mạnh mẽ, nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn được xây dựng ở Đông Nam, Nam và phía Tây thành phố dần mọc lên, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Bắc. Đây chính là giai đoạn giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ nhất.
Bản thân tôi, những năm thập niên 60 vẫn nhớ những công nhân đạp xe đi qua cánh đồng đến các nhà máy. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí tôi, vì thế tôi rất thích mặc những màu áo xanh công nhân.
Khi đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, một trong những mục tiêu đầu tiên là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Lúc đó, xuất hiện nhiều nhà máy như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, cụm nhà máy Cao Xà Lá, Nhà máy cơ khí Hà Nội… Đây thực sự là một lực lượng đông đảo để xây dựng và phát triển miền Bắc, chi viện miền Nam trong thời chiến", ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ cha ông
Chị Nguyễn Ngọc Hà là một công nhân lao động tiên tiến xuất sắc. Chị đang là Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty Canon Việt Nam và là 1 trong 100 Công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024”.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, 1 trong 100 Công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024” chia sẻ tại Toạ đàm. |
Xúc động chia sẻ tại tọa đàm, chị Hà cho hay, là người con được sinh ra trong thời bình, nhưng qua những trang sách, qua những thước phim lịch sử, đặc biệt là qua những chia sẻ của các ông, các bác tại buổi Toạ đàm, chị càng hiểu được những hi sinh và đóng góp to lớn của cha ông cho nền độc lập nước nhà.
Đặc biệt, càng hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội nói chung, tổ chức Công đoàn và công nhân lao động nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Tôi tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua. Là một người công nhân lao động tôi cũng rất tự hào về tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân của mình.
Trong thời chiến dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng giai cấp công nhân cùng với sự sát cánh của tổ chức Công đoàn đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước văn minh - giàu mạnh với đủ công - nông - tri thức.
Đại biểu dự Toạ đàm. |
Không chỉ trong chiến tranh, trong giai đoạn sau giải phóng còn nhiều khó khăn, giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn cũng có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước. Dù ở giai đoạn nào, trong khó khăn nào, các ông, các bác cũng có những sáng kiến, sáng tạo để khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc và tự nhắc mình không bao giờ được lãng quên những hi sinh, những cống hiến của các thế hệ đi trước”, chị Nguyễn Ngọc Hà nói.
10h10: Phóng sự về sự đổi thay của Thủ đô Hà Nội - Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển
Những nỗ lực của cán bộ, công nhân, người lao động, nhân dân Thủ đô và những thành quả đã đạt được về mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội trong công cuộc xây dựng và đổi mới Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung.
Phóng sự về sự đổi thay của Thủ đô Hà Nội - Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển |
Đại biểu theo dõi phóng sự. |
Công đoàn, người lao động đã tạo ra lớp công nhân thế hệ mới
Sau khi Thủ đô được giải phóng cũng là lúc đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền. Miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững chắc để thực hiện công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương của miền Bắc thực hiện công cuộc chủ nghĩa xã hội theo mô hình mới; mô hình xây dựng các nhà máy, xí nghiệp phục vụ cho phát triển và sự nghiệp thống nhất đất nước.
Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay: Tôi may mắn là người được chứng kiến quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô suốt nhiều năm sau giải phóng. |
Với sự ra đời của các doanh nghiệp quốc doanh, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng không ngừng lớn mạnh. Công đoàn, người lao động đã tạo ra lớp công nhân thế hệ mới vừa sản xuất vừa chống lại kẻ thù xâm lược.
Vinh dự được gặp Bác Hồ
Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay: Tôi may mắn là người được chứng kiến quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô suốt nhiều năm sau giải phóng.
Hà Nội của chúng ta đã trải qua những bước thăng trầm khói lửa, những vinh quang chói lọi, để lại truyền thống tốt đẹp. Tôi tự hào mình là người Thủ đô; Tự hào vì mình là công dân của Thủ đô hào hoa, liên tục đổi mới, phát triển và xứng danh là trái tim của cả nước.
Ông An Đức Độ xúc động nhớ lại: Cách đây 60 năm, tôi vinh dự gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm Nhà máy Rạng Đông. Bác đến không báo trước nên nhà máy không hề có pano, biểu ngữ, cờ hoa hay thảm đỏ đón Bác.
Bác đến thăm đầu tiên là khu vệ sinh công cộng, kế đến là nhà bếp, nhà ăn, nhà trẻ rồi sau đó mới thăm xưởng sản xuất. Bác đứng nói chuyện với công nhân nhà máy. Bác không đọc diễn văn mà căn dặn mộc mạc, sâu đậm. Cho đến nay, bản thân tôi vẫn nhớ như in những lời của Bác.
Bác quan tâm đầu tiên là đoàn kết. Bác hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy:
- Ở đây có mất đoàn kết không chú?
- Dạ thưa Bác, có ạ
- Tại sao ở đây lại có tình trạng ấy? – Bác ân cần hỏi.
Bác chỉ bảo rằng, đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta và mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất. Ở nhà máy ta, đoàn kết là nhân tố đóng góp quan trọng tạo nên mọi thắng lợi của nhà máy. Cho nên, các cô, các chú phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất từ trong Đảng ra ngoài quần chúng. Đảng và quần chúng phải là khối đoàn kết thống nhất.
Đồng thời, Bác cũng nhắc nhở về phong trào thi đua là yêu nước:
- Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Các cô, các chú phải thi đua một người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Thi đua là phải có mục tiêu cụ thể cho từng người, từng tổ sản xuất. Phải phấn đấu tăng năng suất lao động gắn liền với phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý sao cho năng suất lao động ngày càng cao.
Bác dặn dò:
- Các cô chú phải phấn đấu mọi chỉ tiêu ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay.
Ông An Đức Độ xúc động nhớ lại: Cách đây 60 năm, tôi vinh dự gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm Nhà máy Rạng Đông. Bác đến không báo trước nên nhà máy không hề có pano, biểu ngữ, cờ hoa hay thảm đỏ đón Bác. |
Bác nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm. Bác hỏi đồng chí Giám đốc:
- Trong bữa cơm tối của gia đình chú, mọi người đang vui vẻ dùng bữa thì bóng đèn bỗng dưng vụt tắt thì chú có bực không?
- Thưa Bác, có ạ - Giám đốc trả lời.
- Thế thì mọi người dùng sản phẩm kém chất lượng cũng bực như chú đấy!
Bác dặn dò:
- Mọi sản phẩm nhà máy làm ra, nếu chất lượng không tốt, người tiêu dùng dùng sản phẩm chẳng bao lâu lại có vấn đề thì các cô, các chú thử nghĩ xem người tiêu dùng có cảm tình như thế nào với sản phẩm?
Bác nhắc đi nhắc lại đến năng suất, chất lượng, tiết kiệm. Rồi về vệ sinh lao động tưởng như rất bình thường nhưng Bác lại quan tâm lắm. Bác nói rằng, Bác từng đến thăm các nhà máy sản xuất ở các nước bạn bên châu Âu. Bác bảo, đến đâu nhà máy cũng sạch sẽ lắm nhưng ở ta, các cô, các chú để nhà máy nhiều chỗ bẩn quá. Cho nên, các cô chú phải xây dựng nhà máy sạch sẽ, xây dựng nếp sống văn minh, nơi làm việc phải ngăn nắp.
Đến khi bác ra về, Bác hỏi:
- Các cô chú có làm được điều Bác dặn dò không?
- Thưa Bác, có ạ - mọi người đồng thanh đáp.
- Các cô chú có muốn Bác về thăm không?
- Có ạ - mọi người đồng thanh đáp.
- Bác mong các cô chú làm tốt, Bác sẽ về thăm – Bác dặn dò.
Mọi người ai nấy đều hân hoan, tưởng chừng như một giấc được gặp Bác. Từ đó, Nhà máy dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo lời bác. Phong trào này duy trì hơn 60 năm không ngừng nghỉ.
Khi Nhà máy bước vào đổi mới đã gặp vô vàn khó khăn. Có thời điểm như con thuyền sắp đắm, nhưng chúng tôi đã xây dựng thi đua, theo từng ngày, tuần, tháng. Có sơ kết kiểm điểm. Có quý chúng tôi bình bầu thi đua và lựa chọn công nhân tiêu biểu đi thăm lăng Bác. Chúng tôi thắp hương, làm lễ và báo công với Bác. Khi đọc diễn văn, công nhân ai nấy đều xúc động.
Sau 60 năm chúng tôi học tập theo lời Bác, đã đạt được nhiều kỳ tích về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động. Chúng tôi tự hào về bước trưởng thành của nhà máy gắn liền với sự phát triển của Thủ đô. Chúng tôi được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là niềm vinh dự và tự hào.
Hiện nhà máy đã cổ phần hóa 100%. Nhưng phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác vẫn thường xuyên, liên tục đến thời điểm này.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm. |
Với tư cách công nhân, cán bộ công đoàn, ông An Đức Độ chia sẻ, hiện nay toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta đang sôi nổi học tập và làm theo đạo đức, tác phong của Bác thì mọi hoạt động cần xoay quanh tư tưởng vĩ đại ấy. Ở tổ chức Công đoàn, dù là lao động trực tiếp hay gián tiếp thì đều phải nắm vững và thực hiện tốt chức năng nhiêm vụ của mình.
Đặc biệt phải thực hiện theo lời căn dặn của Bác. Công đoàn phải là người tổ chức, chăm lo đòi sống cho công nhân. Mọi hiệu quả trong phong trào phải thực hiện theo lời Bác, ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua; chăm lo đời sống người lao động cũng phải như vậy.
Thứ hai, đã là Công đoàn thì cần phải thường xuyên giám sát, yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ chính sách với người lao động. Mục tiêu cách đây trên 100 năm là giai cấp công nhân là mong giảm giờ làm, tăng tiền lương, nhưng đâu đó, công nhân vẫn phải vất vả làm thêm giờ. Họ viện dẫn rằng do nước ta còn nghèo nên mới vậy. Nhưng cần phải hiểu, nâng năng suất lao động không phải bằng cách kéo dài thời gian lao động mà cần phải cải tiến kỹ thuật.
Thứ ba, Công đoàn cấp trên khi xuống thăm công đoàn cơ sở thì sâu sát hơn nữa, tăng cường xuống cơ sở đột xuất, không báo trước. Cuộc gặp gỡ với Bác Hồ khi về thăm nhà máy đã cho chúng tôi 1 bài học sâu sắc như thế.
Hăng say lao động góp sức xây dựng Thủ đô
Được sống trong thời bình, thế hệ trẻ có điều kiện được học hỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến. Tuy nhiên để Thủ đô và đất nước phát triển hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, chị Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết thế hệ trẻ càng phải nỗ lực học tập, trau dồi hơn nữa, nhất là phải làm chủ được công nghệ tiên tiến.
Chị Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Tự hào là thế hệ trẻ, là đoàn viên Công đoàn, là nhân viên đại diện của giai cấp công nhân, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện nâng cao kiến thức và tay nghề, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. |
Theo chị Hà, trước cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, thời đại công nghệ số, trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải tiếp tục cố gắng phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tay nghề, hoàn thiện bản thân hơn để đáp ứng được những yêu cầu mới về nguồn lực lao động không chỉ về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, sự đa dạng hóa nhằm đáp ứng được kịp thời và lâu dài cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; góp sức xây dựng, phát triển Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ ông cha.
“Tự hào là thế hệ trẻ, là đoàn viên Công đoàn, là nhân viên đại diện của giai cấp công nhân, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện nâng cao kiến thức và tay nghề, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Chúng tôi cũng tự hào khẳng định thế hệ trẻ hôm nay nói chung và những người công nhân lao động nói riêng vẫn đang và sẽ tiếp tục hăng say lao động sản xuất; không ngừng học tập, lao động sáng tạo với năng suất chất lượng sản phẩm cao nhất.
Điều này đã được minh chứng khi các năm qua, rất nhiều công nhân lao động được nhận các giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế, nhiều công nhân lao động được trao danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô. Những thành quả đó là minh chứng cho thấy, truyền thống, thành quả cách mạng của thế hệ cha ông đã và đang được các thế hệ sau giữ gìn, gây dựng và phát triển xứng đáng.
Đại biểu dự Toạ đàm |
Trong suốt thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã luôn sát cánh, hỗ trợ nhất là luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Chúng tôi hy vọng trong tương lai đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ tổ chức Công đoàn, Ban lãnh đạo các Công ty để yên tâm làm việc, xây dựng đóng góp cho Thủ đô và đất nước”, chị Hà chia sẻ.
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm đánh giá, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo.
Cùng với các ngành nghề khác, ngành Giáo dục cũng có những phong trào như: Phong trào thi đua “Hai tốt”, thi giáo viên dạy giỏi, gắn học tập với lao động sản xuất, phong trào tình nguyện, giúp đỡ miền núi.
Riêng dưới góc độ Công đoàn, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với chuyên môn phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, hội thi có sức lan toả mạnh mẽ.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm đánh giá, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. |
Chẳng hạn như: Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”. Hội thi được tổ chức 5 năm một lần, không chỉ là dịp để tôn vinh trí tuệ, tài năng và sự sáng tạo của các cô giáo mà qua đó nhằm khơi dậy và phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương học trò của đội ngũ nữ nhà giáo.
Đây cũng là diễn đàn để đội ngũ nhà giáo, người lao động, đặc biệt là các cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tích cực hưởng ứng phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học do Bộ GD&ĐT phát động. Sau nay, Hội thi được Bộ GD&ĐT cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam mở rộng đến các địa phương.
Hay như phong trào “Cô giáo - người mẹ hiền”, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cũng là một sáng kiến để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Hiện nay, vai trò của đội ngũ nhà giáo không những được Đảng, Nhà nước quan tâm mà phải ở từng nơi, từng địa phương. Tại Hà Nội, đội ngũ nhà giáo đã nhận được sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố nhưng quan trọng là ở từng quận, huyện, địa phương luôn có những hoạt động quan tâm, chăm lo những thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn.
Viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: Như chúng ta đã biết, văn hoá là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, mỗi vùng đất vừa có văn hoá chung của đất nước lại có những nét văn hoá riêng. Hà Nội của chúng ta có vị trí rất đặt biệt, là Thủ đô, là đầu não chính trị, là bộ mặt của một quốc gia, nơi các tổ chức quốc tế đặt trụ sở nơi đây. Hà Nội là một nơi hội tụ nhiều người đến sinh sống, làm việc. Văn hoá không phải là cái gì bất biến, mà nó biến đổi theo thời gian.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi tin rằng với tinh thần và truyền thống văn hóa tốt đẹp, thế hệ công nhân, người lao động trẻ sẽ tiếp tục "viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội" |
Tôi cho rằng, người lao động khi về đây làm việc, sinh sống thì phải theo văn hóa của vùng đất nơi mình sinh sống. Bằng cách giao tiếp, ứng xử để hoà nhập theo lối sống của Hà Nội. Nhiều người nói văn hoá ứng xử của Hà Nội xuống cấp, điều đó không thể tránh khỏi, nhưng những cái khác biệt chỉ là một cái nhỏ cá biệt, không đại diện cho văn hóa Hà Nội.
Tôi nghĩ còn rất nhiều điều tốt đẹp. Văn hoá di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biểu hiện qua cách ứng xử, lối sống, cung cách ứng xử của Hà Nội như một dòng mạch ngầm chảy mãi. Tôi tin mọi sự thay đổi, ngoài thay đổi hướng tiêu cực, phần lớn là tích cực trong ngày hôm nay.
Đối với người lao động, tôi nghĩ rằng dù làm việc ở bất kỳ thành phần kinh tế nào, người lao động cần ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Thứ hai, người lao động cần gắn bó với nơi làm việc, biết chia sẻ khó khăn, thuận lợi và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Nếu có vấn đề về quyền lợi lao động, nên thông qua kênh Công đoàn các cấp để giải quyết thay vì hành động tự phát.
Thứ ba, đối với những người từ nơi khác đến Hà Nội làm việc, cần tôn trọng và học hỏi lối sống, cung cách ứng xử của người Hà Nội. Điều này không chỉ giúp họ hòa nhập tốt hơn mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô.
Cuối cùng, tôi tin rằng với tinh thần và truyền thống văn hóa tốt đẹp, thế hệ công nhân, người lao động trẻ sẽ tiếp tục "viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội", góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhóm PV