Tìm giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng ngân hàng “xích lại gần nhau”
Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm lĩnh vực chứng khoán “Cây sáng kiến” làm lợi cho công nhân, doanh nghiệp |
Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022 do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị, xung đột Nga - Ukraina vẫn tiếp diễn, lạm phát ở các nước lớn như Mỹ, châu Âu khó kiểm soát, dẫn đến việc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Sức mua của các thị trường chính như: Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh. Mặt khác, ảnh hưởng của Covid-19 để lại vẫn còn kéo dài.
“Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến mọi ngành sản xuất, xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này với các đơn hàng xuất khẩu suy giảm sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Bàn giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. |
Phía May 10 cũng đang phải xoay sở để vượt khó. Đến nay, hơn 12.000 người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu cho thị trường truyền thống sụt giảm từ 20 - 30% so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới như: Hàn Quốc, Đài Loan, Canada... và tập trung vào thị trường trong nước.
Nhờ sự năng động và đổi mới, trong 6 tháng đầu năm 2023, May 10 vẫn lo đủ việc làm cho người lao động. Ngoài xuất khẩu, May 10 cũng là một trong số ít những đơn vị ngành may kinh doanh thời trang công sở trong nước. Khi xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa trở thành “cứu cánh” có mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo tháng 9 - 10/2023 là thời gian thấp điểm, đơn hàng sẽ bị giảm sút bởi tính đặc thù của mùa vụ. Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng May 10 không có nhu cầu vay vốn. Thay vào đó, doanh nghiệp đang linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính.
Theo một số chuyên gia kinh tế, để nỗ lực vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần có những đội tìm kiếm quản lý phát triển thị trường và các sản phẩm mẫu hướng tới xuất khẩu, không bị động ngồi chờ đơn hàng; nâng cao năng lực quản trị, linh hoạt trong tổ chức sản xuất, sắp xếp đơn hàng, nguyên phụ liệu… đảm bảo thích ứng nhanh, khi thị trường biến động; cắt giảm các chi phí không cần thiết, giải quyết triệt để câu chuyện tối ưu chi phí.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, thời gian qua, chính sách của ngành ngân hàng đánh đúng và trúng những điểm nghẽn khó khăn của doanh nghiệp. Theo khảo sát cuối tháng 6/2023 của Tổng cục Thống kê, khoảng 18,5 - 28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý II/2023 tốt hơn quý I/2023, trong đó 36,2 - 43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4 - 36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.
Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu, có tới 25% hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế, nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III/2023.
Tại Hội thảo, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Từ đầu năm đến nay, Agribank đã 7 lần giảm lãi cho vay trên cơ sở tiết giảm chi phí và giảm lãi suất huy động vốn. Theo đó, lãi suất sàn cho vay ngắn hạn giảm từ 1,5 - 4%/năm, sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3 đến 1,5%/năm. Đến tháng 5/2023, lãi suất cho vay phát sinh bình quân đã giảm 0,5 đến 1%/năm so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai tốt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, đảm bảo là kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, để tăng sức hấp thụ vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm đảm bảo năng lực tài chính lành mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho.