Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng
Bộ Tài chính chính thức lên tiếng về thông tin này. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi.
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). Mặc dù đánh giá tiến độ thực hiện nâng hạng còn chậm, FTSE Russell cũng ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường.
Bên cạnh đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã cho thấy nỗ lực của mình trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.
Để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng TTCK từ Nhóm 3 lên Nhóm 2, qua trao đổi với hai tổ chức xếp hạng MSCI và FTSE cùng với tư vấn của Ngân hàng Thế giới, có 12 nhóm vấn đề cần cải thiện đối với TTCK Việt Nam. Trong đó, các vướng mắc về chính sách và thực tiễn cần tập trung tháo gỡ.
FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi |
Thứ nhất về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Ủy ban chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, đơn vị liên quan rà soát tổng thể các văn bản pháp luật về chứng khoán như Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, sớm đưa hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình CCP vào hoạt động.
Về giới hạn sở hữu nước ngoài, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu; nghiên cứu giảm bớt số lượng ngành nghề không nhất thiết hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và tiếp cận thị trường có điều kiện tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước rà soát, sửa đổi các quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng theo hướng yêu cầu các công ty niêm yết quy mô lớn (dự kiến là các công ty niêm yết trong rổ chỉ số VN100) bắt buộc thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời triển khai thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại tất cả các công ty đại chúng để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong việc nắm thông tin về khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp.
Bảo Thoa