Sáu giải pháp để kinh tế 2023 bứt tốc
Tối ưu chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Chính sách tỷ giá linh hoạt giúp kinh tế Việt Nam giải tỏa áp lực |
Kinh tế phục hồi mạnh, nỗ lực chống lạm phát
Báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ 2011. Trong đó, GDP quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%.
Số DN ra nhập thị trường tăng nhưng số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn. Ảnh minh hoạ |
Như vậy, sau quý III/2022 ấn tượng với tốc độ tăng trưởng hai con số, GDP quý IV/2022 đã chững lại. Tuy quý IV năm nay tăng cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019, giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy, dù nền kinh tế đã phục hồi song vẫn chưa quay lại “trạng thái cũ” bởi quý IV các năm thường là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế khi nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều gia tăng.
Dẫu vậy, với mức tăng này, GDP cả năm vẫn tăng 8,02% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga – Ukraine… làm gia tăng rủi ro tài chính, thương mại và đầu tư thì đây là mức tăng trưởng ấn tượng” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.
Trong năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
"Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu" - bà Nguyễn Thị Hương cho biết thêm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo Tổng cục Thống kê, việc bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, kiểm soát đà tăng giá xăng dầu, chưa tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, học phí… đã giúp Chính phủ kiểm soát thành công lạm phát năm 2022 dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Kiến nghị 6 giải pháp cho năm 2023
Dù tăng trưởng GDP năm 2022 bứt tốc mạnh mẽ song bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay. “Vì vậy, để kịp thời có giải pháp khắc phục, chủ động tận dụng cơ hội, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, thời gian tới cần tập trung vào 6 giải pháp chính” - bà Nguyễn Thị Hương nêu kiến nghị.
Theo đó, cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; Chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ba là, bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả những nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023. Bốn là, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.
Nhận định về áp lực tăng lạm phát trong năm 2023, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết những năm gần đây Quốc hội thường đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, nhưng năm 2023 Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát trong năm 2023 rất lớn.
Áp lực tăng lạm phát năm tới đến từ việc Trung Quốc dỡ bỏ Zero Covid, nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, đẩy giá hàng hóa thế giới tăng cao, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa đầu vào nhiều nên ảnh hưởng lớn tới lạm phát trong nước.
Bên cạnh đó, khả năng tăng giá học phí, giá dịch vụ y tế theo lộ trình, dự kiến điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2023, tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Dù vậy, yếu tố thuận lợi theo bà Nguyễn Thu Oanh là việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm tới sẽ làm giảm áp lực lạm phát.
Năm 2022, có hơn 208.000 DN mới thành lập, tăng 30,3% so với năm 2021, bình quân một tháng có 17.400 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Song cũng có tới hơn 143.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm ngoái. Trong đó, 73.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 34,3% so với năm 2021); 50.800 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, (tăng 5,5%); 18.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11,2%). Bình quân một tháng có 11.900 DN rút lui khỏi thị trường. |
Theo Thảo Nguyên/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/sau-giai-phap-de-kinh-te-2023-but-toc.html