Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Bộ Tư pháp vừa tổ chức sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023. Đáng quan tâm, tình hình triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thực hiện nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.
Từ ngày 17/4/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Qua kiểm tra trực tiếp, đánh giá tình hình sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông 2 nhóm TTHC tại hai địa phương này cho thấy, việc sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên thông, giảm bớt thời gian tác nghiệp của cán bộ cơ sở khi giải quyết TTHC, hạn chế tối đa nhầm lẫn, giảm thời gian, chi phí sao chụp, thiết lập hồ sơ so với thực hiện các thủ tục đơn lẻ, tạo thuận lợi cho người dân.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện biểu mẫu bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử theo yêu cầu (có nội dung đầy đủ như bản giấy, có QRCode, chữ ký số) và phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển khai mở rộng trên toàn quốc từ ngày 10/7/2023.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm cấp bản tử giấy khai sinh, trích lục khai tử thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC) tại phường Quán Thánh, Hà Nội. Ảnh: Phương Mai |
Bên cạnh đó, xác định việc số hóa dữ liệu lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, để triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ số hóa sổ hộ tịch thực và giải đáp khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.
Theo thống kê, đã có 49 tỉnh/thành phố đã thực hiện số hóa sổ hộ tịch, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trên 32 triệu dữ liệu hộ tịch (riêng thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện số hóa xong cơ bản các dữ liệu hộ tịch lịch sử (gần 12 triệu dữ liệu); đã rà soát, đối chiếu, phê duyệt chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gần 11 triệu dữ liệu; hiện còn khoảng 60 triệu dữ liệu cần số hóa.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai tích hợp, cung cấp các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh), đặc biệt là các thủ tục đăng ký hộ tịch thiết yếu, quan trọng và cần thiết, như đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và đăng ký thường trú.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
“Các kết quả nêu trên đã và đang góp phần cải cách mạnh mẽ các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch, đổi mới phương thức đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, đặc biệt là quyền khai sinh cho trẻ em”, Bộ Tư pháp cho biết.
Để hoàn thành mục tiêu của Đề án 06, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, bố trí trang thiết bị cần thiết để thực hiện ký số bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử (USB ký số); tổ chức triển khai Đề án “Thí điểm liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử”.
Trên cơ sở các quyết định công bố TTHC của Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành sớm hoàn thành việc công bố TTHC thực hiện tại địa phương theo yêu cầu tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, trong đó thể hiện rõ việc khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp không thể khai thác được thì mới sử dụng các phương thức khác quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP.
Cũng theo Bộ Tư pháp, để hoàn thành mục tiêu Đề án 06 đề ra, phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân; giữa bộ, ngành với địa phương. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp hướng dẫn người dân trong việc nhận thức và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.