Gỡ khó thủ tục “xanh hoá” nguồn điện để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Tại toạ đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: Nhiều ngành sản xuất trên các lĩnh vực khác nhau đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.
Tuy nhiên do chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa hiểu rõ quy định, thủ tục như giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng… nên chưa dám đầu tư lắp đặt.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, ngay cả khi có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và thương mại, việc triển khai điện mặt trời áp mái là nhiệm vụ khó do thủ tục xin giấy phép sản xuất điện phức tạp, mất nhiều thời gian, trong khi làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn.
Ngoài ra, khoảng trống pháp lý tạo ra bất cập như quy định pháp luật hiện chưa cho phép bán chứng chỉ năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư, chính sách trợ giá hay những khó khăn phức tạp trong việc tháo dỡ pin năng lượng mặt trời…
Sử dụng năng lượng xanh giúp doanh nghiệp chủ động nguồn điện, giảm chi phí sản xuất |
Những khó khăn trong thủ tục cấp phép sản xuất điện là nội dung được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề cập. Là ngành tiên phong tiếp cận năng lượng tái tạo, điện mặt trời áp mái từ sớm, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động, linh hoạt để sử dụng điện mặt trời áp mái với 3 hình thức chính được triển khai.
Đó là các doanh nghiệp dệt may chủ động đầu tư lắp đặt điện áp mái, điện mặt trời; doanh nghiệp cho các nhà cung cấp giải pháp thuê mái để họ đầu tư và doanh nghiệp sử dung năng lượng tái tạo với giá ưu đãi từ 20 - 30%; phối hợp hợp tác giữa nhà cung cấp giải pháp cùng đầu tư để chia sẻ lợi ích.
“Theo tính toán của chúng tôi, doanh nghiệp chỉ cần từ 5 - 7 năm là có thể hoàn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp thụ hưởng nhiều lợi ích quan trọng và lâu dài như không phụ thuộc vào điện lưới quốc gia, chủ động nguồn điện với chi phí thấp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao cạnh tranh, phát triển ổn định và bền vững. Sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng chuẩn mực xanh trong tiêu chuẩn đòi hỏi của các nước nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ và gần đây là Nhật Bản.
Cuối cùng, sử dụng năng lượng tái tạo, doanh nghiệp đang đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải mà Chính phủ cam kết tại COP26”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Điện mặt trời áp mái là vấn đề cấp thiết với ngành thuỷ sản. Sử dụng điện mặt trời áp mái không chỉ nằm trong lộ trình mục tiêu giảm phát thải mà Chính phủ đã cam kết hay hướng đến sản xuất sạch mà còn là điểm cộng trong việc cấp chứng nhận để xuất khẩu hàng hoá thương mại với các nước, nhất là với thuỷ sản - ngành thực phẩm có điều kiện.
Tại gần 900 nhà máy quy mô công nghiệp trên toàn quốc, hầu hết là đông lạnh nên nhu cầu sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp thuỷ sản là rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về trách nhiệm môi trường. Sử dụng điện mặt trời áp mái chính là cách để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đó, đồng thời hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giảm chi phí năng lượng.
Từ thực tế, để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và mang lại lợi ích lâu dài, các cơ chế thủ tục cấp phép không chỉ thuận lợi mà cần hướng đến bền vững, ổn định, “xanh" hơn.
Cụ thể, VASEP cũng như nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành cơ chế, hướng dẫn thực hiện Quy hoạch Điện VIII để doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo có thể đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái, điện mặt trời.
Bảo Thoa