Quyết liệt xóa những dự án “treo” - Kỳ cuối: Việc khó nhưng sẽ làm thành công
Dự án "treo" nhiều, đồng nghĩa với cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, từ kinh tế, đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, Nhà nước cũng bị thất thu vì không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này. Nguyên nhân dẫn đến việc dự án “treo” có rất nhiều, từ những quy định chồng chéo của các văn bản luật, văn bản dưới luật gây vướng mắc cho chủ đầu tư. Tiếp đó là việc điều chỉnh quy hoạch qua các thời kỳ cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án. Và đáng nói nhất là năng lực của chủ đầu tư không đủ để thực hiện dự án...
Thời gian gần đây, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ các dự án “treo” như việc ban hành hàng loạt Quyết định thu hồi đối với những dự án được giao đất nhưng không triển khai, quá thời hạn cho phép. Trong đó, có những quyết định cứng rắn như thu hồi quỹ đất công có vị trí đắc địa nhưng vi phạm pháp luật, đó là những tín hiệu rất tốt và đáng được ghi nhận.
Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp cuối cùng được sử dụng. Để hạn chế tình trạng dự án “treo” trong bối cảnh hiện nay, thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Tăng thuế
Từ những nguyên nhân như chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, thủ tục, thị trường, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư "găm" đất chờ chuyển nhượng,… dẫn đến hình thành dự án treo, quy hoạch treo nhưng không thể thu hồi.
Để thu hồi dự án “treo” cần có những biện pháp, chế tài hợp lý, cần nghiêm khắc nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng…
Các chuyên gia cho rằng, cần tăng mức phạt cũng như tăng thuế đối với những dự án vi phạm. Thành phố cần ban hành những chỉ thị, nghị quyết riêng cụ thể về vấn đề này và cần có biện pháp nhằm vào tài chính của những đơn vị, cá nhân, nhà đầu tư có dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án này. Điều này giúp ngân sách có thêm một khoản, trong khi các nhà đầu tư thiếu năng lực sẽ chủ động chuyển nhượng dự án cho đối tác khác có đủ khả năng để triển khai.
Dự án Khu đô thị Đồng Mai vẫn "nằm im" gần 20 năm |
Theo GS Đặng Hùng Võ giải quyết triệt để các dự án treo, dự án chậm tiến độ có thể xử lý bằng công cụ thuế. Đánh thuế sử dụng đất cao hơn là phù hợp hơn cả.
“Để giải quyết căn cơ câu chuyện này thì gần như không có cách nào khác là sử dụng công cụ đánh thuế. Sẽ nâng tỷ suất thuế lên cao hơn và cứ năm sau cao hơn năm trước. Như vậy, chính bản thân chủ đầu tư không chịu nổi thuế nữa thì sẽ tự giải quyết các dự án treo của mình mà Nhà nước lại không bị thất thu từ nguồn tài nguyên đất”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Để không xảy ra tình trạng dự án bỏ hoang, nhất là dự án ở khu đất "vàng" tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, trước tiên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra, xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất.
Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Điều 74 dự thảo Luật Đất đai là phù hợp nhằm phát huy giá trị của đất, giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Cụ thể, các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình; đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xuất phát của việc xảy ra dự án "treo", quy hoạch "treo" là do khâu lập quy hoạch. “Dù nhiều nguyên nhân nhưng suy cho cùng là bắt đầu từ khâu lập quy hoạch. Lập quy hoạch nhưng đánh giá, nghiên cứu chưa kỹ, xác định nguồn lực chưa đúng. Ví dụ như ở một khu đô thị đến lúc làm xong hết rồi, tự dưng có cái nhà nằm ngang con đường không thể giải phóng mặt bằng vì chưa thỏa thuận được giá đền bù. Đấy là những cái mà lúc lập quy hoạch chưa dự báo được”, ông Vân chia sẻ.
Cũng theo ông Vân, vấn đề quy hoạch treo, dự án treo còn tồn tại cũng bởi 3 yếu tố hiện nay đang gặp khó khăn. Thứ nhất là phê duyệt quy hoạch. Cái khó thứ hai là bước triển khai, khi đã có quy hoạch tốt rồi nhưng lại không có nguồn lực đầu tư. Cuối cùng là khâu giải phóng mặt bằng, vấp phải khó khăn trong di dời, đền bù và va chạm rất nhiều luật cho nên chậm tiến độ.
Đất bị bỏ không, gây lãng phí tài nguyên tại Dự án Khu đô thị sinh thái Đồng Mai |
Có thể đánh giá, công tác quản lý quy hoạch sau phê duyệt hiện nay đang khá yếu kém. Việc quản lý yếu kém khiến dẫn đến tình trạng đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép, dân lấn chiếu, tăng chi phí bồi thường nên sau thời gian nhà đầu tư không còn khả năng thực hiện hoặc lo ngại cho dự án không được sự quan tâm đúng mức dẫn đến dừng và bị treo dự án. Thêm vào đó năng lực và trách nhiệm yếu nên thường xảy ra tình trạng cố tình tránh các vấn đề phát sinh trong quản lý, gây ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người dân.
Cùng với đó, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội.
Do vậy, chúng ta cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý đất đai, về giá đất, về vận dụng thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải quyết việc làm và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài ra, cần có các quy định pháp luật nghiêm minh hơn, cụ thể hơn để xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu ở các địa phương để xảy ra vi phạm về đất đai.