Quyết liệt xóa những dự án “treo” - Kỳ 1: Dự án "treo" kéo theo nhiều hệ lụy
Thành phố Hà Nội thu hồi 2 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm Hà Nội: Toàn cảnh cụm công trình đầu mối Liên Mạc đang bị "treo" nhiều năm |
Đất “vàng” cũng bị bỏ hoang
Hà Nội hiện có hàng trăm dự án “ôm” đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai. Những dự án này đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội, gây mất mỹ quan đô thị.
Một trong những hệ lụy dễ nhận thấy chính là cuộc sống của những hộ dân sống trong những dự án treo này bị đảo lộn, ảnh hưởng.
Nhiều hộ gia đình rơi vào tình cảnh “đi không được, ở không lại cũng không xong”. Bởi lẽ, đất do nằm trong dự án thế nên họ không được cấp sổ đỏ, dẫn tới không mua bán chuyển nhượng.
Còn nhiều trường hợp khác, do nằm trong quy hoạch nên việc sửa chữa, cải tạo tạm những ngôi nhà xuống cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Vô hình chung, khiến những khu nhà này trở nên nhếch nhác, tạm bợ, xuống cấp.
Điển hình như tại Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình tại quận Thanh Xuân. Dự án này đã chậm tiến độ 21 năm, khiến cho đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đẩy người dân vào cảnh sống nhếch nhác, tạm bợ, dù đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Còn tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, gần 370 hộ dân ở tổ dân phố Nhuệ Giang, nhiều năm nay, người dân phải chịu cảnh nhiều "không": Không được xây dựng nhà, chỉ được phép sửa chữa nhỏ; không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn; không tách thửa; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Tình cảnh này được người dân nơi đây ví như "sống mòn" do nhà đất của họ nằm trong diện thu hồi, giải phóng mặt bằng cho Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đã gần 17 năm chưa triển khai.
Không những vậy, khi các dự án vẫn “nằm trên giấy”, hàng nghìn hecta đất của các dự án đang bị sử dụng sai mục đích, biến tướng để kinh doanh các dịch vụ khác như làm sân bóng, bãi trông giữ xe, nhà xưởng…
Cụ thể, Dự án Khu đô thị hỗ trợ - Khu công nghiệp Sài Đồng B tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn làm chủ đầu tư.
Năm 2014, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị hỗ trợ - Khu Công nghiệp Sài Đồng B, tỷ lệ 1/500. Công ty CP đầu tư Thạch Bàn phê duyệt dự án tại Quyết định số 31/QĐ-ĐTTB ngày 14/10/2015 với quy mô diện tích khoảng 31,13ha. Tổng mức đầu tư trên 8.381 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với khu vực như: khu công nghiệp Sài Đồng B, các khu công nghiệp lân cận, Trung tâm thương mại Aeon và của dân cư khu vực, cũng như làm nền tảng để xây dựng khu đô thị đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và xã hội...
Tuy nhiên, sau gần chục năm được phê duyệt quy hoạch, dự án Khu đô thị hỗ trợ - Khu công nghiệp Sài Đồng B vẫn chỉ nằm “trên giấy”. Đa phần khu đất dự án vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.
Trong khi đó, hàng nghìn m2 đất của dự án cũng đang bị sử dụng sai mục đích, biến tướng làm sân bóng mini, làm bãi trông xe… Thậm chí, hình thành cả khu bắn cung ngoài trời trong khu đất dự án.
Khu đất Dự án Khu đô thị hỗ trợ - Khu công nghiệp Sài Đồng B tại phường Thạch Bàn bị biến thành sân đá bóng, bãi gửi xe... |
Một dự án lớn khác tại Hà Nội là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư cũng đang bị “treo” 18 năm nay. Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được đánh giá có vị trí “vàng” tại quận Hoàng Mai khi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại.
Người dân khu vực cho hay dự án này còn làm đảo lộn cuộc sống, mất kế sinh nhai của họ. Hiện nay vẫn còn hàng chục hộ dân thuộc khu vực quy hoạch dự án chưa đồng thuận về việc thu hồi đất. Cuộc sống những hộ dân này phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa mới.
Còn tại Dự án Khu đô thị Đồng Mai, đã 15 năm kể từ khi được phê duyệt, dự này vẫn “nằm im lìm”, không hề có dấu hiệu hồi sinh.
Dự án nhiều năm nay vẫn chỉ là vùng "đồng không mông quanh", cỏ mọc um tùm, nhếch nhác. Chẳng ai biết hoặc cam kết về thời dự án này được triển khai và hoàn thành.
Trước đó năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành quyết định thu hồi khoảng hơn 225ha đất tại các xã: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm, TP Hà Đông (nay là các phường: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm, quận Hà Đông); và giao Công ty Phong Phú thuê để đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng và quản lý hạ tầng kỹ thuật sau đầu tư Cụm Công nghiệp Đồng Mai.
Sau khi sáp nhập, UBND TP.Hà Nội có chủ trương di dời các khu công nghiệp ra khỏi khu vực phát triển đô thị, do đó dự án Cụm công nghiệp Đồng Mai không còn phù hợp. Trên cơ sở đó, Công ty Phong Phú đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch Cụm Công nghiệp Đồng Mai và điều chỉnh chức năng từ cụm công nghiệp thành khu đô thị Đồng Mai.
Đến ngày 11/8/2013, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000 để Công ty Phong Phú thực hiện các bước chuyển đổi sang xây dựng đô thị.
Cụ thể hóa hơn, đến ngày 21/5/2015 UBND TP Hà Nội chính thức có quyết định 2282/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, tỷ lệ 1/500, với tổng diện tích khoảng 214ha, dân số 10.094 người.
Sau khi có quy hoạch chi tiết, tưởng rằng dự án sẽ được triển khai thì đến ngày 29/05/2018 UBND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000, mà cụ thể hơn là điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000 trước đó.
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Báo Lao động Thủ đô, Dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, sau gần 20 dự án vẫn nằm vẫn “trên giấy”, đất bị bỏ hoang gây lãng phí và bức xúc cho người dân.
Nguồn lực bị lãng phí
Có một thực tế ở Hà Nội đó là quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi eo hẹp, không ít người có nhu cầu đang thiếu nhà ở, trong khi đó, diện tích đất hoang hoá từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn ha. Lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng là những hệ luỵ rõ nét nhất của các dự án treo lâu năm.
Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này.
Đất bị bỏ không, cỏ dại mọc um tùm |
Theo thống kê, hiện trên toàn Hà Nội có 700 dự án có sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha. Việc số lượng lớn các dự án "ôm" đất nhưng không triển khai dự án dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực của thủ đô.
Trao đổi với báo chí, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng chỉ ra, ngoài những hệ lụy trên, tình trạng dự án treo còn có những tác động xã hội khá mạnh khác. Đó chính là niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Tại nhiều địa phương, người dân bị thu hồi đất đã phản ứng mạnh mẽ. Thậm chí, ở mức cao hơn, nhiều người bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu kiện đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của bà con...
Hiện nay, quy định đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thành phố Hà Nội cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để xóa bỏ tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, sau thời hạn này vẫn "ôm" đất trong nhiều năm tiếp theo mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.
(còn tiếp)