Quy định cụ thể việc thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng
Người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn trong các loại hình kinh doanh mới Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 |
Quy định cụ thể chế tài bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những bất cập, vướng mắc đã phát sinh qua hơn 10 năm thực hiện Luật.
Theo dự thảo Luật, thông tin của người tiêu dùng bao gồm cả các thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và các thông tin khác liên quan đến giao dịch của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp. Đồng thời, vì thông tin của người tiêu dùng rất nhạy cảm và dễ bị lạm dụng. Do vậy, cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương thảo luận tại nghị trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, nội dung này chưa được quy định chặt chẽ như không quy định về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông qua bên thứ ba. Như vậy, nhiều khả năng người tiêu dùng không biết được thông tin của họ có thể do một bên thứ ba, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm giữ.
Đồng thời, về phạm vi ủy quyền thuê bên thứ ba rất rộng, nên khó có thể kiểm soát được việc bên thứ ba tiếp tục chia sẻ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho chủ thể khác. “Tôi đề nghị chỉnh lý lại nội dung này theo hướng tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo trước hoặc được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ và sử dụng thông qua bên thứ ba, đồng thời giới hạn phạm vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng thông qua bên thứ ba là chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của tổ chức kinh doanh”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cùng quan tâm đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Theo đại biểu, cần xem xét bổ sung quy định về hành vi mua bán thông tin để có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ vì trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ, lọt, mất thông tin người tiêu dùng.
“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Tôi đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa cách làm, hình thức bảo vệ người tiêu dùng đã phát sinh trong xã hội, nhất là điều chỉnh các mối quan hệ, quy định cụ thể các hành vi xâm phạm về quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng xảy ra trong thực tiễn cuộc sống”, đại biểu nói.
Cho rằng thời gian qua, trên thực tế, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn những chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
Cấm các quảng cáo sai sự thật
Trước việc dự thảo sửa đổi phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, cần bổ sung đối tượng áp dụng gồm cả tổ chức là người tiêu dùng. Theo đại biểu, việc quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức, pháp nhân sẽ khắc phục được hạn chế của các quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân, vì không phải lúc nào pháp nhân cũng là chủ thể đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh, hậu quả nếu Luật Bảo vệ người tiêu dùng không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) đề cập đến các loại quảng cáo trên các nền tảng trình duyệt, ứng dụng giải trí đang dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng mà chưa được sự kiểm soát chặt chẽ.
“Thật nguy hại khi các sản phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng tự như thần dược trên các ứng dụng lớn như Facebook, Youtube, Tiktok… Vừa qua, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.
Đề nghị trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo đối với các sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, đại biểu đề nghị.