Người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn trong các loại hình kinh doanh mới
Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022: Điểm nhấn nổi bật kích cầu mua sắm dịp cuối năm 11/3: Phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 |
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) và các văn bản hướng dẫn, Luật này đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã dần cho thấy nhưng bất cập, hạn chế trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế đã và đang có nhiều thay đổi; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... nên cần được sửa đổi, bổ sung với kỳ vọng bảo vệ quyền lợi NTD tốt hơn.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), một số quy định của Luật hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới, theo sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, nền tảng chia sẻ và công nghệ 4.0.
Nhiều phản ánh của NTD về chất lượng hàng hóa không đảm bảo so với đơn hàng đã đặt. (Ảnh minh họa: KT) |
Bởi vậy, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan phát sinh mới trong thực tiễn chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể. Chính vì vậy, trong năm 2021, TMĐT là lĩnh vực đứng thứ 2 về số lượng đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của NTD tới Cục.
Cụ thể, có tổng số 1.261 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của NTD liên quan tới bảo vệ quyền lợi NTD đã được Cục tiếp nhận và xử lý, chiếm tỷ lệ 15,4%. Các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến việc chậm giao hàng, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng so với đơn hàng đã đặt.
“Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng TMĐT để cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng với những hình ảnh đã quảng cáo trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội, trang thông tin diện tử...”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho hay, các quy định liên quan đến trách nhiệm thực hiện bảo hành, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật… còn chưa đầy đủ, rõ ràng khiến cho việc triển khai, giám sát còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại khó được giải quyết kịp thời.
Nguyên nhân điển hình được lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra là còn nhiều DN chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Có trường hợp vì mục tiêu lợi nhuận mà DN cố tình vi phạm quyền lợi NTD để cung cấp cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Về mặt quy định pháp lý cũng cần được tiếp tục hoàn thiện để điều chỉnh kịp thời và đầy đủ các hành vi vi phạm mới trong bối cảnh của hội nhập quốc tế sâu rộng, sự chuyển đổi số nền kinh tế và tiến tới là nền kinh tế số”, ông Tuấn cho biết.
Trong 5 - 6 năm gần đây, TMĐT Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, với tốc độ phát triển trung bình từ 25 - 35%. Song theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cùng sự mở rộng của thị trường, những hành vi vi phạm đang ngày càng nhiều, đa dạng hơn. “Thực tiễn đó đòi hỏi cơ quan quản lý cần có khung khổ pháp lý đủ mạnh, có sự thay đổi phù hợp về pháp luật để bảo vệ NTD”, bà Việt Anh chỉ ra.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bảo vệ NTD tốt hơn khi tham gia giao dịch trên các nền tảng số, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng. |
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành và thực tiễn thực thi trên toàn quốc để xác định rõ những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.
Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, những nội dung ở Dự thảo rất cần thiết để bảo vệ NTD tốt hơn khi tham gia giao dịch trên các nền tảng số, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng. Đồng thời, Dự thảo đặt ra yêu cầu sửa đổi về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD, quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, từ thực tiễn triển khai cũng như cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
“Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với NTD; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Đồng thời, Dự thảo cũng quy định một số nội dung phải có trong giao kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết./.
Theo Nguyễn Quỳnh/vov.vn