Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 2: Người lao động "gánh" thiệt thòi
12 triệu người nguy cơ không có lương hưu Hà Nội: Qua công tác thanh, kiểm tra đã thu hồi 53,2 tỷ đồng tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội Để người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần |
Quyền lợi bị “đánh cắp”
Đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động thế nhưng, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thực trạng doanh nghiệp “quên” đóng BHXH cho người lao động vẫn thường xuyên diễn ra như “cơm bữa”, thiệt thòi cuối cùng người lao động phải gánh chịu.
Mới đây, gửi đơn đến Báo Lao động Thủ đô, anh Vũ Quốc Hiến, nhân viên lái xe thuộc Công ty Cổ phần xây lắp GERVICO (trụ sở tại Lô 13BT2 Khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh vừa nghỉ việc với lý do 2 bên không thỏa thuận được những điều khoản phát sinh trong hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, anh Hiến bức xúc khi phát hiện ra doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động.
Anh Vũ Quốc Hiến gặp nhiều khó khăn khi không thể đi khám bệnh do doanh nghiệp nợ BHXH |
Theo anh Hiến, anh được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần xây lắp GERVICO từ ngày 10/5/2021, theo thỏa thuận ký kết trong hợp đồng, mức lương chính anh Hiến được hưởng là 10 triệu đồng/tháng và được tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đầy đủ cùng một số quyền lợi khác theo chế độ khác.
Tuy nhiên, đến ngày 3/6/2022 anh đi khám bệnh thì phát hiện thẻ BHYT của mình không sử dụng được, lý do là bởi doanh nghiệp chưa đóng BHXH cho người lao động, trong khi đó, hàng tháng, doanh nghiệp vẫn trích thu tiền BHXH của người lao động.
“Việc công ty không đóng BHXH cho tôi khiến tôi gặp vô vàn khó khăn. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của tôi mà còn làm ảnh hưởng đến các chế độ khác mà tôi được hưởng như việc không thể chốt sổ BHXH, làm chế độ BHTN, chế độ phúc lợi Covid-19… Thậm chí, đến thời điểm này, công ty vẫn còn giữ sổ BHXH và các giấy tờ cá nhân của tôi, khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn sau khi nghỉ việc”, anh Hiến bức xúc.
Cũng vấp phải tình trạng bị doanh nghiệp trốn đóng BHXH, chị Đỗ Phương Thanh (ở Trần Khát Chân, Thanh Lương, Hà Nội) có 3 năm làm việc ở Công ty TNHH Tiếp vận KTA Việt Nam, đơn vị có trụ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình làm việc tại đây, nhận thấy chế độ doanh nghiệp chi trả không tương xứng với công sức mình bỏ ra, cùng với những bức xúc mà doanh nghiệp thường xuyên gây ra, chị Thanh đã làm đơn xin nghỉ việc.
Điều đáng nói, sau khi làm đơn xin nghỉ việc và làm các thủ tục chốt sổ BHXH và các chế độ khác, chị Phương Thanh mới tá hỏa khi biết rằng, trong suốt 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Tiếp vận KTA Việt Nam, chị và nhiều người lao động khác đã không được công ty đóng BHXH, mặc dù tháng nào công ty cũng trích thu tiền BHXH từ lương của người lao động.
“Ai ngờ, doanh nghiệp lại "đánh cắp" quyền lợi của người lao động trắng trợn như vậy, đây là điều không thể chấp nhận được. Việc trốn, nợ đóng BHXH của công ty không chỉ khiến tôi gặp khó khăn sau khi nghỉ việc, mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình đóng BHXH, cũng như thời gian công tác, thời gian nghỉ hưu của tôi sau này. Điều đáng nói, có vẻ như doanh nghiệp không sợ, hay các chế tài xử lý pháp luật chưa đủ mạnh, khiến các doanh nghiệp không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi khi trốn đóng BHXH”, chị Phương Thanh nói.
Không chỉ có chị Thanh, anh Hiến bức xúc về việc bị doanh nghiệp trốn, nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động; trước đó vào năm 2020, tập thể người lao động tại Công ty Cổ phần Cơ điện công trình (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) sau khi bị doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH… khiến cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn, bĩ cực và rồi người lao động cũng đành gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, đồng thời gửi đơn khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
Không chỉ người lao động phải gánh chịu thiệt thòi
Khi làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp, việc được đóng BHXH để hưởng các chế độ BHYT, BHTN… là niềm vui, niềm hạnh phúc của người lao động; nó cũng thể hiện được sự quan tâm, chăm lo quyền lợi của người lao động trong suốt quá trình họ cống hiến và cùng với doanh nghiệp xây dựng phát triển. Thế nhưng, niềm vui ấy, niềm hạnh phúc ấy lại không thể trọn vẹn khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn, chậm đóng BHXH cho người lao động.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên không thể tìm ra hướng giải quyết cho khi nợ BHXH, khiến nợ chồng nợ; dây dưa từ năm này sang năm khác và cuối cùng số nợ đọng BHXH đội lên đến con số vượt quá sức của nhiều doanh nghiệp.
Đơn cư như một số đơn vị, doanh nghiệp đã được Báo Lao động Thủ đô đề cập trước đó như Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX, đến cuối tháng 6/2022, số tiền nợ đọng BHXH là 48.193.290.558 đồng; Công ty Cổ phần LILAMA3 nợ đọng BHXH là 41.655.394.636 đồng; Công ty cổ phần Eurowindow nợ BHXH tổng số tiền la 25.619.740.069 đồng…
Công ty cổ phần Eurowindow, một trong những doanh nghiệp lớn, uy tín nhưng cũng đang nợ BHXH với số tiền 25.619.740.069 đồng (tính đến ngày 30/6/2022) |
Có thể thấy, thực trạng trốn, nợ đọng BHXH hiện nay đã và đang ảnh hưởng rất lớn đền quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, việc nợ đọng BHXH kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng đến chính sự phát triển, ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Thực tế, khi doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định, bên cạnh việc doanh nghiệp sẽ phải chịu sự chế tài của cơ quan chức năng, cơ quan BHXH, thì sẽ không tránh khỏi việc người lao động sẽ tự rời bỏ doanh nghiệp để tìm đến những doanh nghiệp tốt hơn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động, phải tuyển lao động mới.
Không phải nói đâu xa, đầu tháng 5/2022, hơn 1.000 công nhân tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific (phường Mỗ Lao, Hà Đông) đã thực hiện ngừng việc tập thể để phản đối việc doanh nghiệp chậm chi trả các chế độ phúc lợi cho người lao động. Việc để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, trong khi đó, nhiều lao động cũng đã lựa chọn giải pháp nghỉ việc và chuyển công ty mới.
Trước đó, hơn 200 công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân) bị nợ lượng, nợ BHXH giai đoạn 2019-2020 cũng đã ngừng việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Sự việc sau đó cũng đã tốn nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự việc sau đó đã được giải quyết, tuy nhiên, việc nợ đọng các chế độ phúc lợi của người lao động đã làm giảm uy tín của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều người lao động đã nghỉ việc, chuyển đơn vị khác khiến doanh nghiệp gặp khó khi thiếu hụt lực lượng lao động…
Việc người lao động chịu thiệt thòi khi doanh nghiệp trốn, nợ BHXH là điều dễ nhìn thấy, nhưng việc doanh nghiệp phải chịu tổn thất khi cố tình trốn, nợ đọng BHXH của người lao động là điều không phải doanh nghiệp nào cũng nhận ra.
Vì thế, để đảm các chế độ phúc lợi đầy đủ cho người lao động, bên cạnh việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, thì rất cần sự thay đổi nhận thức từ phía người lao động. Trong đó, khi bị mất quyền lợi hợp pháp vì doanh nghiệp không đóng BHXH, người lao động cần phải lên tiếng đòi quyền lợi của mình, tránh “tiếp tay” cho doanh nghiệp khi âm thầm chấp nhận.
Tuấn Minh
(Còn nữa)